15/05/2025 | lượt xem: 133 Quy định mới về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Ngày 29/4/2025, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2025/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Theo Nghị định, Ngân hàng Phát triển là ngân hàng chính sách do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Nghị định này và pháp luật có liên quan. Ngân hàng Phát triển có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu theo quy định của pháp luật. Người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Phát triển là Tổng giám đốc. Nghị định nêu rõ, Ngân hàng Phát triển hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Phát triển được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán; được cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Phát triển không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển do ngân sách nhà nước cấp và được bổ sung từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định pháp luật. Việc bổ sung vốn điều lệ của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý tài chính của Ngân hàng Phát triển. Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm: Quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước giao cho Ngân hàng Phát triển; đảm bảo an toàn, bảo toàn vốn và tài sản theo quy định tại Nghị định này và pháp luật liên quan. Hoàn trả đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi đối với các khoản vốn mà Ngân hàng Phát triển huy động theo đúng cam kết. Tuân thủ các quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tổ chức hoạt động theo đúng chiến lược hoạt động, kế hoạch hoạt động hằng năm, trung và dài hạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện báo cáo công khai, minh bạch về hoạt động và tài chính; chấp hành chế độ báo cáo thống kê với các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vốn, tài sản theo quy định của pháp luật... Quyền hạn của Ngân hàng Phát triển: Được mở tài khoản thanh toán và thực hiện nghiệp vụ gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; được mở tài khoản cho khách hàng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Được vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật. Được góp vốn thành lập doanh nghiệp trên cơ sở phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Được yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu liên quan đến việc vay vốn, tình hình sử dụng vốn, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cho Ngân hàng Phát triển để thẩm định dự án, phương án tài chính, phương án kinh doanh, phương án trả nợ, năng lực của khách hàng. Được cho thuê, thế chấp, cầm cố các tài sản thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật. Được đề nghị cơ quan thuế, cơ quan hải quan, các tổ chức tín dụng và các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý, thu thập thông tin, cung cấp những thông tin theo quy định của pháp luật liên quan đến khách hàng có quan hệ với Ngân hàng Phát triển trong các hoạt động ngân hàng. Được kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng. Được quyền chấm dứt thực hiện các cam kết với khách hàng, thu hồi nợ trước thời hạn, đồng thời yêu cầu khách hàng bồi thường các thiệt hại phát sinh (nếu có) trường hợp phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật. Được khởi kiện khách hàng hoặc bên đảm bảo vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật. Khi đến hạn trả nợ, nếu các bên không có thỏa thuận khác mà khách hàng không trả được nợ thì Ngân hàng Phát triển được quyền xử lý tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Được xử lý rủi ro trong quá trình hoạt động theo quy định của pháp luật… Hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Phát triển. Hoạt động huy động vốn gồm: Phát hành trái phiếu dược Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật; phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật; vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật… Hoạt động tín dụng gồm: Cho vay theo chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định của pháp luật; bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại; cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ theo quy định của pháp luật… Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác gồm: Thực hiện các hoạt động cho vay theo ủy quyền ủy thác, cấp phát vốn theo ủy thác; bảo lãnh theo ủy quyền ủy thác; ủy thác, nhận ủy thác cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Cơ chế quản lý tài chính của Ngân hàng Phát triển thực hiện theo quy định của Chính phủ. Ngân hàng Phát triển thực hiện chế độ kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. NVĐ
Thông tư quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ tuyển chọn, huấn luyện vận động viên thể thao quốc gia