07/01/2022 | lượt xem: 9 Quy định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí với từng gói chính sách Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn nữa nội hàm các chính sách, đối tượng thụ hưởng... Sáng ngày 7/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình, cụ thể như: Tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 đã được Quốc hội thông qua). Đối với năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình phục hồi và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định hiện hành. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) phát biểu từ điểm cầu hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) cho rằng, nếu không có cam kết về những kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này. Do đó, cần đưa ra những cam kết cụ thể, có thể có những sản phẩm hữu hình, có những kết quả vô hình nhưng đều có thể tính toán được. Theo đại biểu, căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những nguyên tắc quan trọng là tất cả nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc. “Lần này, chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ đồng cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu được phân bổ trực tiếp, có những mục tiêu thông qua các công cụ khác như công cụ thuế, công cụ hỗ trợ lãi suất… Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách”, bà Vũ Thị Lưu Mai phân tích và đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc tiêu chí tương ứng với từng gói chính sách. Nhấn mạnh Đề án trình Quốc hội lần này là chủ trương hoàn toàn đúng đắn nhưng đây cũng là công việc hết sức khó khăn, là thử thách, đòi hỏi trí tuệ và sự quyết tâm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai chỉ rõ, cần có những bước đi thực sự vững chắc, không chịu áp lực bởi bất kỳ mục tiêu tăng trưởng hoặc mục tiêu thành tích. Điều cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả. Miễn giảm thuế chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhiều lao động Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay, việc tiếp tục miễn, giảm thuế phí là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm, kích thích nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh là cần thiết trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể áp dụng đối tượng nào, doanh nghiệp nào hay tất cả các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp FDI hay không? Đại biểu kiến nghị chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, hợp tác xã, các doanh nghiệp có sức lan tỏa, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh... Đồng tình với việc chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, chi cho công tác phòng, chống dịch, cải tạo, nâng cấp trang thiết bị nhân lực cho ngành y tế, đại biểu đề nghị tới đây, tập trung cho tuyến cơ sở, với nhân lực và trang thiết, chính sách tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch, nhất là cơ sở điều trị COVID-19. Đối với tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, đại biểu đề nghị giảm thuế cho người sử dụng người lao động. Cùng với đó, cần quy định đối tượng lao động là đối tượng nào để tránh mỗi nơi áp dụng một cách tùy tiện, người được hỗ trợ người không. Cần xác định tăng đầu tư công, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng Về giải pháp tài khóa tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, tại Điều 3 dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) đề nghị cần xác định nhu cầu kinh tế từ doanh nghiệp, người dân, việc làm, lao động để đưa ra khung chính sách phù hợp hơn. Cùng với đó, cần lượng hóa, đánh giá tác động thêm và cần có sự phối hợp giải pháp tài khóa và giải pháp tiền tệ. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi và tăng mức giảm, đặc biệt là giảm thuế giá trị gia tăng mạnh hơn cho ngành dịch vụ, mặt hàng thiết yếu. Bởi vì làm được điều này, vừa kích thích được thị trường, vừa hỗ trợ cả cho cung cầu mang lại giá trị cho xã hội. Hơn nữa, đây cũng là giải pháp dễ thực hiện hơn so với các giải pháp khác. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cần xác định rõ đối tượng được ưu tiên vào thời điểm nhất định. Theo đại biểu ở giai đoạn hiện tại phải tập trung cho y tế và phát triển kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm bởi 2 lý do: Thứ nhất chi cho phòng, chống dịch là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế và do đó là khoản chi tất yếu. Tuy nhiên chi cho phòng chống dịch cần tính thêm khoản chi cho vaccine khi tới đây không được viện trợ và mua thuốc chữa trị COVID-19. Khoản chi này nên tách riêng thành một điểm và không nên nằm trong quy định chi cho đầu tư phát triển. Cùng với đó, cần phải tiến tới xã hội hóa vaccine và điều trị COVID-19 để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Thứ hai, đây là thời điểm "vàng" cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải, tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân còn ít nên tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng. Với định hướng đó, cần xác định tăng đầu tư công, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ, đáp ứng yêu cầu kích cầu kinh tế./. Nguồn tin: dangcongsan.vn