01/11/2023 | lượt xem: 91 Quốc hội tranh luận "nóng" về việc có cần biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa Bộ Giáo dục và Đào tạo có cần biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa khác bên cạnh ba bộ sách xã hội hóa hiện nay hay không là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, tranh luận tại nghị trường Quốc hội chiều 31/10. Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Trong buổi chiều nay đã có 2 đại biểu tranh luận liên quan việc có nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ hay không? Những lý do chưa nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa Tranh luận của các đại biểu Quốc hội xuất phát từ phát biểu của đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau). Trong phần phát biểu, đại biểu Nguyễn Duy Thanh bày tỏ không tán thành việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ (từ lớp 1 đến lớp 12) theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) phát biểu. Lí do, theo đại biểu, về cơ sở pháp lý, việc này không phù hợp với Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019. “Cả 2 văn bản nói trên đã điều chỉnh quy định Nghị quyết 88 về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa” – đại biểu nói. Về cơ sở thực tiễn, đại biểu cho rằng, việc này không phù hợp với thực tế chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã đạt được những kết quả và đang triển khai thuận lợi. Về hậu quả, đại biểu chỉ rõ, việc này dẫn đến không cho phép xã hội hóa, quay lại tình trạng độc quyền, trái với chủ trương khuyến khích xã hội hóa, đi ngược lại xu hướng của quốc tế. Rất cần trách nhiệm của Nhà nước trong xây dựng sách giáo khoa Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phát biểu. Tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Duy Thanh, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh, Đoàn giám sát đánh giá rất cao, ghi nhận về những kết quả của quá trình xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1. Từ năm học 2021-2022 đến nay có 3 bộ sách: Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều. “Có 1.574 tác giả đã tham gia viết sách, cho thấy đã huy động được một lực lượng rất lớn các nhà khoa học, các nhà giáo tham gia để có thể xây dựng ra những cuốn sách giáo khoa có chất lượng” - đại biểu cho biết. Về việc Bộ Giáo dục có nên làm một bộ sách hay không? Có trái với Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội hay không? Đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết 88/2014/QH13 là nghị quyết gốc, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ. Song đến năm 2020 trong Kỳ họp thứ 9 do áp vào năm học mới triển khai lớp 1 chưa có bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho phép khi có một sách giáo khoa cho một môn bằng xã hội hóa không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên qua giám sát, Đoàn giám sát nhận thấy rằng vẫn rất cần thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với việc xây dựng những nội dung, chương trình, sách giáo khoa. Đại biểu cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không biên soạn một bộ sách giáo khoa không có nghĩa là chúng ta sẽ không tin tưởng vào những sách giáo khoa xã hội hóa. Tuy nhiên, cần phải có một bộ sách giáo khoa để hoàn toàn chủ động trong mọi tình huống. Theo đại biểu, nội dung liên quan tới việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa đã được thể hiện rõ trong báo cáo của Đoàn giám sát gửi tới Đại biểu Quốc hội. Đại biểu mong đại biểu Nguyễn Duy Thanh và các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thêm. Quan trọng nhất là sử dụng hiệu quả các bộ sách giáo khoa hiện tại Tranh luận lại với đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, trên góc nhìn về pháp lý, đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng chưa nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Việc biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa tại thời điểm hiện tại không thực sự cấp thiết. Đại biểu nhấn mạnh, “quan trọng nhất vào thời điểm này tập trung giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và nghiêm túc triển khai phương án lựa chọn và sử dụng có hiệu quả các bộ sách giáo khoa đã và đang sử dụng hiện tại”. Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) phát biểu. Theo đại biểu, trên cơ sở các bộ sách giáo khoa và các quyển sách giáo khoa cho từng bộ môn hiện tại, việc tiếp tục lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo phù hợp với năng lực và phương pháp giảng dạy của giáo viên; phù hợp với năng lực học tập cũng như mặt bằng tâm lý của học sinh ở từng địa phương, từng trường là điều quan trọng. Đồng thời cần giao cho chính chủ thể này quyền thực sự và trách nhiệm về mặt chuyên môn là được lựa chọn sách giáo khoa phù hợp nhất với môn học và tình hình thực tiễn tại cơ sở giáo dục của mình. Còn các cơ quan quản lý nhà nước làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc lựa chọn sách giáo khoa mà không nên can thiệp vào công việc chuyên môn của giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa cho chính cơ sở giáo dục của mình. Đại biểu cũng cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa chỉ nên thực hiện sau khi có sự tổng kết, đánh giá thời gian tới, cụ thể, khách quan và khoa học. Điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại, theo đại biểu là phải giữ được sự tin tưởng, sự đồng lòng và sự vào cuộc của đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội để đảm bảo chất lượng giáo dục. Từ đó, giảm thiểu được sự bất an ở trong gia đình, trong nhà trường, trong xã hội; đồng thời cũng giảm được sự lãng phí về mặt nguồn lực của xã hội để có thể biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa nữa./. Nguồn tin: dangcongsan.vn