19/06/2020 | lượt xem: 7 Quốc hội thông qua nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 Chiều 18/6, với 93,17% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước (NSNN) và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018. Trong đó, Nghị quyết yêu cầu Chính phủ hàng năm, khi trình quyết toán phải báo cáo lũy kế kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán các năm trước. Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018 (Ảnh: TTXVN) Nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng ngân sách, hạn chế thấp nhất tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế, chuyển nguồn; thực hiện nghiêm các quy định trong quản lý vốn đầu tư công, khắc phục triệt để tình trạng phát sinh nợ xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; giảm tỷ lệ chi thường xuyên theo nghị quyết của Quốc hội; bố trí dự toán đúng nghị quyết của Quốc hội và sử dụng hiệu quả các khoản chi cho giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ. Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán NSNN năm 2018 và Dự thảo Nghị quyết phân bổ vốn viện trợ không hoàn lại, điều chỉnh dự toán chi NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, qua ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực cao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện dự toán thu NSNN năm 2018 cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững. Tuy thu NSNN giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu và vượt dự toán được giao nhưng số vượt thu chủ yếu tập trung ở các khoản thu từ đất đai. Mặc dù tỷ trọng thu nội địa so với tổng thu NSNN tăng qua các năm song tỷ trọng thu nội địa so với tổng thu NSNN năm 2018 mới chỉ đạt 80,7%, vẫn còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020 (tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 84-85% tổng thu NSNN). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Quốc hội đề nghị Chính phủ sát sao hơn trong chỉ đạo, điều hành để nâng cao chất lượng công tác dự báo, tăng cường năng lực phân tích, xây dựng dự toán thu NSNN, từng bước đổi mới phương pháp lập dự toán thu ngân sách; ban hành và thực thi các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để cơ cấu lại nguồn thu theo hướng bền vững, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý theo tinh thần Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội. Liên quan đến công tác quản lý thu ngân sách, UBTVQH nhận thấy, mặc dù ngành thuế đã có nhiều cố gắng song đúng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để, phần nào thể hiện chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý thuế còn hạn chế. Do đó, đề nghị Chính phủ có biện pháp tích cực hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, biên chế, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu kê khai thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hạn chế thấp nhất tình trạng gian lận, trốn thuế, nợ đọng thuế, bảo đảm nguồn thu cho NSNN. Liên quan đến việc thực hiện kiến nghị của kiểm toán Nhà nước (KTNN), ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN còn chưa cao, việc báo cáo xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội nhiều năm chậm trễ, mức độ xử lý chủ yếu là kiểm điểm, phê bình, ảnh hưởng đến việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội, UBTVQH cho rằng việc xử lý nghiêm và báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể sai phạm trong quản lý ngân sách là cần thiết để công khai, minh bạch trong xử lý sai phạm, góp phần chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật ngân sách. Tuy nhiên, việc thực hiện kiến nghị KTNN còn chưa triệt để, chưa tổng hợp báo cáo số thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán lũy kế để phản ánh đúng tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán, việc báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân của Chính phủ các năm chậm, kỳ họp này đến ngày 9/6/2020 mới báo cáo. Trước tình trạng này, Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ yêu cầu Chính phủ Chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, kết luận, kiến nghị của KTNN và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về quyết toán NSNN năm 2018. Hàng năm, khi trình quyết toán phải báo cáo lũy kế kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán các năm trước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng NSNN và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng NSNN niên độ 2018 khi trình Báo cáo quyết toán NSNN năm 2019./. Theo Nghị quyết, Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 1.880.029.177 triệu đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2017 chuyển sang năm 2018, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN. Tổng số chi cân đối NSNN là 1.869.791.887 triệu đồng bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019. Bội chi NSNN là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 110.689.303 triệu đồng; vay ngoài nước 42.421.100 triệu đồng. Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806.197 triệu đồng. Quốc hội cũng quyết nghị phân bổ 5.370.580 triệu đồng vốn viện trợ không hoàn lại của ngân sách trung ương năm 2018 cho các bộ, cơ quan Trung ương theo danh mục tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết. Điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2018 của Bộ Tài chính số tiền 1.991.061 triệu đồng. Nguồn tin: dangcongsan.vn