Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Chiều ngày 15/6, với 449/467 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,16%), Quốc hội đã thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh. 

Luật quy định Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng thời, bổ sung chính sách nhà nước, đầu tư cho sáng tác kịch bản phim.

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ảnh: TH. 

Luật quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng như: Chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp hoặc tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch uỷ quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật này; giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện tự phân loại phim.

Luật bổ sung quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, việc phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định của pháp luật; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động điện ảnh theo thẩm quyền (điểm i khoản 2 Điều 45); bổ sung quy định Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực điện ảnh trên địa bàn quản lý (khoản 2 Điều 47); bổ sung quy định đối với tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số; tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Luật quy định mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh nhằm hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ. Hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài. Hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển điện ảnh…/.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
26 người đang online