24/10/2021 | lượt xem: 8 Quốc hội thảo luận về 2 dự án Luật Điện ảnh và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng nay (23/10), Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về 2 dự án Luật Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo đó, Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021). Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục và ý kiến các Ủy ban của Quốc hội, dự án Luật đã được Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện. Dự Luật phù hợp với 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật. Dự Luật gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật hiện hành. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo Tờ trình, trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án: Phương án 1: Giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; Phương án 2: Giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất phim. Trong đó, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1. Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW; cụ thể hóa Hiến pháp 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành sau 15 năm thi hành... để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh. Cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác. Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh. Cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi. Các quy định của Luật bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển ngành điện ảnh… Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung thẩm tra nêu chi tiết về: Chính sách của Nhà nước phát triển điện ảnh; Quản lý nhà nước về điện ảnh; Về sản xuất phim; Phát hành phim; Phổ biến phim; Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Lưu chiểu, lưu trữ phim. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật Thi đua, khen thưởng, bổ sung năm 2005 và năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình cho biết: Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 98 điều, đã sửa đổi và điều chỉnh 94 điều, đặt tên điều luật đối với 98 điều. Trong đó, dự thảo Luật điều chỉnh lại 24 điều của Luật hiện hành thành 13 điều của dự thảo Luật, bảo đảm nội dung của các điều được thống nhất, bao quát; dự thảo Luật có 8 điều mới, trong đó có 3 điều mới hoàn toàn và 5 điều mới do tách ra từ các điều của Luật hiện hành; Khoản 1 Điều 101 Luật hiện hành quy định về khen thưởng tổng kết thành tích khen thưởng kháng chiến được thiết kế thành quy định chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 98 dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành; khoản 2 Điều 101 của Luật hiện hành quy định các hình thức động viên khác được thiết kế thành 1 điều (Điều 80) quy định về thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các hình thức động viên khác. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), cho biết, Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, thể hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, Ủy ban Xã hội nhất trí với tên gọi là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đồng thời, nhất trí phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao Chính phủ trong việc bổ sung đối tượng khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng, trong đó quan tâm đến đối tượng là tập thể nhỏ và đối tượng người lao động trực tiếp (công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học); cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhấn mạnh quan điểm xây dựng luật là, cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số; Luật cần bao quát toàn diện các vấn đề liên quan đến điện ảnh; khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; bảo đảm phù hợp, đồng bộ, khả thi; tuân thủ Hiến pháp, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội phát triển ngành điện ảnh. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, lĩnh vực điện ảnh rất rộng, trong quản lý nhà nước phải tạo không gian sáng tạo cho điện ảnh, vừa có tác phẩm tốt phục vụ nhân dân, vừa bảo đảm tính thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng chính trị. Cho rằng văn hóa nghệ thuật là phải chú trọng con người, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (đoàn Tây Ninh) nhấn mạnh, nếu Việt Nam muốn vươn tầm ra thế giới trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng thì phải thay đổi cách làm. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, mỗi năm, họ đều đưa các sinh viên ra nước ngoài (các trung tâm điện ảnh thế giới) học hỏi hầu hết các khâu, quy trình sáng tác phim ảnh, so với số tiền đầu tư họ thu lại rất nhiều, từ đó văn hóa, điện ảnh Hàn Quốc gần như rất phổ biến, và thống lĩnh thị trường. Tại sao trong thời kỳ chiến tranh, chúng ta có rất nhiều tác phẩm hay sâu sắc, có sức sống trường kỳ với lịch sử như Em bé Hà Nội, Sao Tháng Tám, Vỹ tuyến 17, mà bây giờ lại thiếu vắng các tác phẩm như vậy? Tiếc rằng trong dự án luật, đang thiếu chính sách quan tâm, đầu tư cho con người, mà dường như chỉ nhấn mạnh quản lý nhà nước. Nếu cứ tiếp tục làm theo cách này liệu có thúc đẩy phát triển được thị trường điện ảnh hay không? Liên quan đến quy định phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự chặt chẽ. Nên chăng cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng. Bởi lẽ thực tế vừa qua đã có những bộ phim phát hành xuyên tạc lịch sử Việt Nam, nếu không tiền kiểm và hậu kiểm, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này là khá lớn. Các đại biểu thảo luận tại tổ Thảo luận về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, quan điểm xuyên suốt trong dự thảo Luật là phải bảo đảm mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, vừa thể hiện kết quả của thi đua là cơ sở để khen thưởng và ngược lại, khen thưởng để thúc đẩy phong trào thi đua, song vẫn thể hiện thi đua và khen thưởng là hai phạm trù có sự độc lập tương đối với nhau về tính chất, phạm vi và nguyên tắc, đồng thời, không phải mọi khen thưởng đều xuất phát trực tiếp từ thi đua (khen đột xuất, khen thưởng quá trình cống hiến, khen thưởng theo niên hạn, khen đối ngoại). Nhấn mạnh gốc của khen thưởng là thi đua, đại biểu Đỗ Văn Chiến (đoàn Nghệ An) lưu ý, hiện nay khen thưởng vẫn là chính mà thi đua chưa được quan tâm, cho nên rất cần khắc phục tình trạng này. Liên quan đến khen thưởng Huân chương đại đoàn kết dân tộc, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng cần quy định cụ thể hơn về đối tượng, tiêu chuẩn cụ thể được nhận Huân chương đại đoàn kết dân tộc. Có ý kiến lưu ý, huân chương đại đoàn kết dân tộc đang quy định dành tặng cho nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo và cá nhân có công lao. Tuy nhiên, dự thảo luật lại đang thiếu đối tượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cần được bổ sung thêm. Buổi chiều, Quốc hội nghe: Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; các báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2021; Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021; Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến./. Nguồn tin: dangcongsan.vn