Các ĐBQH ấn nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Ảnh: QH

Chiều 8/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 466/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết (đạt tỷ lệ 95,69%).

Trước đó, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp để báo cáo Quốc hội về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát và tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.

Về tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình giám sát năm 2025 việc xem xét các báo cáo về: (1) việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ qua; (2) việc thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; (3) báo cáo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính; (4) báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả giám sát đối với các cơ quan, đơn vị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) đã bao gồm nội dung (1) và (2) như đề nghị của đại biểu (điểm a khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết).

Riêng báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về kết quả giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu lồng ghép nội dung này trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để báo cáo Quốc hội tại mỗi kỳ họp.

Theo Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, đối với báo cáo về cải cách thủ tục hành chính, hằng năm, Chính phủ đều báo cáo về nội dung này, lồng ghép trong Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội; tại Kỳ họp này, thực hiện Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ đã có Báo cáo số 176/BC-CP ngày 23/4/2024 về kết quả rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội cũng có báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội thảo luận, giám sát theo quy định. Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ có báo cáo chuyên đề về nội dung này để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Có ý kiến đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao 02 chuyên đề về bảo vệ môi trường và nguồn nhân lực; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc lựa chọn giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng tài sản công và giải ngân vốn đầu tư công để giám sát trong năm 2025…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và căn cứ đặc điểm tình hình năm 2025, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội và được đại đa số ĐBQH nhất trí, quyết định lựa chọn 01 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 01 chuyên đề. Bên cạnh đó, một số nội dung như đề xuất của đại biểu đã được lồng ghép trong xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về: kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội cân nhắc lựa chọn những vấn đề được cử tri, Nhân dân và ĐBQH quan tâm để tiến hành giám sát theo hình thức phù hợp.

Một số ý kiến đề nghị, khi xác định nội dung giám sát của các chuyên đề giám sát năm 2025 cần trọng tâm, tập trung một số vấn đề cụ thể; đồng thời, giới hạn phạm vi giám sát phù hợp để hoạt động giám sát hiệu quả, thiết thực. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xác định trọng tâm, trọng điểm khi xây dựng dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát trình Quốc hội và khi xây dựng kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến, kiến nghị tâm huyết của các ĐBQH để tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, các Đoàn giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, nghiên cứu đề xuất, cụ thể hóa các giải pháp trong quá trình triển khai các hoạt động, xây dựng báo cáo kết quả giám sát và nghị quyết giám sát chuyên đề. Đồng thời, ngay sau khi được Quốc hội đồng ý đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát trong giai đoạn hiện nay./.