09/05/2023 | lượt xem: 10 Quan hệ Nhật – Hàn trước một khởi đầu mới Ngày 7/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thực hiện chuyến công du kéo dài 2 ngày tới Hàn Quốc. Việc lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Hàn Quốc sau 12 năm đã đánh dấu việc khôi phục toàn diện nỗ lực “ngoại giao con thoi” nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Á vốn bị kéo căng trong nhiều năm qua do những bất đồng lịch sử. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sul-yeol (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, ngày 7/5/2023. (Ảnh: Yonhap) Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc), ngày 7/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sul-yeol chia sẻ thống nhất chung rằng Tokyo và Seoul đang có những bước đi nhằm đưa mối quan hệ song phương quay trở lại đúng hướng. Việc hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng (với cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào tháng 3/2023) được đánh giá là một cuộc gặp mang tính biểu tượng cao, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của hai láng giềng nhằm khôi phục hoàn toàn quan hệ. Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoan nghênh việc hai láng giềng khởi động các nỗ lực "ngoại giao con thoi", phản ánh quá trình bình thường hóa quan hệ song phương hiện đang đi đúng hướng. Các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh song phương cũng như trong khuôn khổ cơ chế ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ nhằm đối phó với các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Về vấn đề lao động thời chiến, Thủ tướng Kishida khẳng định trước người đồng cấp Hàn Quốc rằng, chính phủ Nhật Bản vẫn kiên định trong việc kế thừa quan điểm của các Nội các trước đây liên quan tới những nhận thức về lịch sử. Lời phát biểu Thủ tướng Kishida được xem là sự thừa nhận của ông trước vấn đề bất đồng lịch sử đã khiến quan hệ giữa hai láng giềng Đông Á nguội lạnh. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Kishida cho biết ông rất đau lòng khi nhiều người phải chịu đựng nỗi thống khổ và đau đớn khủng khiếp trong những hoàn cảnh khó khăn vào thời điểm đó. Ông Kishida không đưa ra lời xin lỗi chính thức về những gì Nhật Bản đã làm trong Thế chiến II, song Thủ tướng Nhật Bản cho biết chính phủ của ông kế thừa lập trường của các chính quyền tiền nhiệm, với một số trong đó từng đưa ra lời xin lỗi. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 3/2023, Thủ tướng Kishida cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ Nhật Bản kế thừa toàn bộ nhận thức lịch sử của các chính phủ trước đây, bao gồm tuyên bố chung năm 1998 được cựu Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi thông qua. Tuyên bố năm 1998 kêu gọi vượt qua quá khứ và xây dựng các mối quan hệ mới, trong đó cựu Thủ tướng Obuchi bày tỏ sự tiếc nuối về "những thiệt hại và nỗi đau khủng khiếp" mà chế độ thực dân Nhật Bản đã gây ra cho người dân Triều Tiên. Về phía Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng tỏ rõ thiện chí khi cho rằng, các bất đồng lịch sử chưa được giải quyết không có nghĩa là không thể có bước tiến để gắn kết quan hệ giữa hai bên. Nhận định này của nhà lãnh đạo Hàn Quốc dường như cho thấy ông rất trân trọng thông điệp từ phía Thủ tướng Kishida nhằm đưa hai nước xích lại gần nhau hơn. "Trong vòng chưa đầy hai tháng kể từ khi tôi có cuộc gặp thượng đỉnh với các bạn ở Tokyo, quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản đã có những dấu hiệu cải thiện một cách nghiêm túc. Tôi cảm thấy có trách nhiệm tạo ra một giai đoạn tốt đẹp trong quan hệ song phương của chúng ta, thậm chí còn tốt hơn cả thời kỳ tốt đẹp trước đây trong quá khứ" - Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói. Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh, chính phủ của ông sẽ thực hiện kế hoạch đã công bố vào tháng 3/2023 để giải quyết vấn đề lao động thời chiến. Theo đó, một quỹ trực thuộc Chính phủ Hàn Quốc sẽ đứng ra bồi thường nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến, thay vì đòi tiền từ công ty Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (thứ 4 từ trái sang) thảo luận với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ 3 từ phải sang) trong cuộc hội đàm thượng đỉnh mở rộng tại Seoul, ngày 7/5/2023. (Ảnh: Yonhap) Đáp lại, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản, ông có nhiệm vụ cùng bắt tay với Hàn Quốc để hướng tới tương lai trong khi cân nhắc các khía cạnh lịch sử cùng một số diễn biến liên quan. Liên quan tới vấn đề này, truyền thông Nhật Bản nhận định, ông Kishida có thể sẽ theo đuổi các nỗ lực hàn gắn và phát triển quan hệ với Hàn Quốc thông qua việc tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh cùng nhiều hình thức đối thoại khác. Nhật Bản đã mời Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến được tổ chức tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào ngày 19/5 tới. Trong khi đó, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng tiết lộ kế hoạch sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ trong khuôn khổ cuộc gặp ba bên, diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7. Động thái này cho thấy nhà lãnh đạo Hàn Quốc dường như đang mong muốn tìm cách củng cố hơn nữa sự đoàn kết ba bên để ứng phó với các vấn đề đang nổi lên trong khu vực, trong đó có vấn đề Triều Tiên. Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết ông và Thủ tướng Kishida đã nhất trí chủ trương Hàn Quốc cử một nhóm chuyên gia đến làm nhiệm vụ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi trong tháng 5/2023 nhằm hỗ trợ kế hoạch của Tokyo về việc xả nước đã được xử lý và pha loãng ra đại dương. Cũng theo Tổng thống Hàn Quốc, ông và Thủ tướng Kishida đã đồng ý tiếp tục theo đuổi cơ chế hợp tác an ninh ba bên với Mỹ, đồng thời lưu ý rằng các bên đang tiến hành đàm phán để bổ sung thỏa thuận về chia sẻ dữ liệu cảnh báo về các hoạt động tên lửa của Triều Tiên. Ông Yoon Suk-yeol cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc lấy tự do, hòa bình và thịnh vượng làm trung tâm, cũng như tầm nhìn của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Dự kiến trong ngày 8/5, Thủ tướng Kishida sẽ tổ chức họp với các thành viên của Hiệp hội nghị sĩ Hàn Quốc - Nhật Bản và những người đứng đầu 6 hành lang kinh doanh của Hàn Quốc, bao gồm Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae Won - người hiện đang đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc. Sau khi kết thúc lịch trình, ông sẽ khởi hành trở về Tokyo vào cùng ngày./. Nguồn tin: dangcongsan.vn