Hưng Yên thời kỳ 1945-1967

Năm 1945, sau khi giành được chính quyền, tỉnh Hưng Yên gồm có các huyện: Khoái Châu, Mỹ Hào, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, Văn Lâm, Yên Mỹ.

 

 

Năm 1945, sau khi giành được chính quyền, tỉnh Hưng Yên gồm có các huyện: Khoái Châu, Mỹ Hào, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, Văn Lâm, Yên Mỹ.

Đánh mìn đổ tàu quân sự Pháp ở Văn Lâm

Đầu năm 1946 chính quyền cách mạng bỏ phủ, tổng thành lập các huyện, xã, thôn. Hưng Yên có 8 huyện và 116 xã.

Ngày 6/1/1946 Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên, toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu. Đoàn đại biểu Quốc hội khóa I của Hưng Yên gồm 8 người: Bồ Xuân Luật, Nguyễn Mạnh Hà, Cao Thị Khương, Nguyễn Ngọc Xuân, Trịnh Quý Đông, Phạm Quang Diệu, Lê Xuân Hiếu, Lương Hiền.

Ngày 28/4/1946: Thành lập Ty Công an Hưng Yên.

Ngày 21/5/1946: Hưng Yên khai mạc Hội khỏe đầu tiên, đào tạo huấn luyện viên  cho thanh niên để huấn luyện các môn thể dục thể thao, khóa học đầu tiên có 98 người (5 nữ) đào tạo để hướng dẫn phát triển phong trào thể dục thể thao của tỉnh.

Đầu tháng 7/1946: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần 1 họp tại xã Chiến Thắng huyện Ân Thi, gồm có 52 đại biểu toàn tỉnh tới dự. Đại hội đã đánh giá quá trình phát triển của Đảng bộ tỉnh. Từ năm 1941- 8/1945, toàn tỉnh Hưng Yên chỉ có 35 đảng viên, đến tháng 12/1945 lên 134 đảng viên, tới lúc tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh có 328 đảng viên, đến ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Đảng bộ tỉnh đã có 629 đảng viên (88 chi bộ cơ sở). Đại hội đề ra phướng hướng, mục tiêu đẩy mạnh kiến quốc, tích cực chuẩn bị kháng chiến và bầu Ban chấp hành gồm 7 đồng chí, đồng chí Nguyễn Khai được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 7/1946: Bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các xã và bầu Ủy ban hành chính huyện, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên và Thư ký.

Tháng 8/1946: Thành lập thị xã Hưng Yên, gồm 2 khu phố Đầu Lĩnh, Đằng Châu.

Đầu năm 1947: Huyện  Văn Giang chuyển về Hưng Yên, Hưng Yên chính thức có 1 thị xã và 9 huyện.

Ngày 4/1/1947, quân dân Hưng Yên đã nổ súng tấn công địch tại Như Quỳnh, đây là trận đánh đầu tiên của quân dân Hưng Yên nổ súng tấn công địch càn vào địa bàn tỉnh. Trận đánh này đã kéo dài suốt cả ngày vì lực lượng ta quá mỏng, vũ khí thô sơ, địch lại quá đông có xe tăng yểm trợ. Song, quân dân Hưng Yên đã tiêu diệt được gần 100 tên địch, thu 7 súng trường cùng một số thiết bị khác.

Tháng 5/1947: Tại làng Trà Bồ huyện Phù Cừ, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ II được tổ chức. Đại hội có 150 đại biểu về dự. Đại hội đã kiểm điểm tình hình qua 4 tháng trực tiếp chiến đấu với địch, đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới: "Xác định phương châm kháng chiến toàn dân, lâu dài, tự lực cánh sinh và tăng cường xây dựng cơ quan chỉ đạo kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang chủ động chống càn, bao vây kinh tế địch". Về công tác phát triển Đảng, Đại hội đánh giá: "Trong phương hướng phấn đấu, công tác phát triển Đảng được coi trọng, các địa phương đều đề ra mục tiêu phát triển đảng viên "Lớp tháng 8" nên số đảng viên của Đảng bộ tỉnh phát triển nhanh. Đến tháng 12/1947, tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh đã có 3.102 đảng viên, sinh hoạt ở 190 chi bộ". Đại hội đã bầu Ban chấp hành Tỉnh ủy gồm 11 đồng chí, đồng chí Lê Thành được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. 

Tháng 5/1947: Hội nghị thành lập Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hưng Yên tại làng Mão Xuyên (nay là xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi). Đồng chí Phạm Văn Hạnh được Ban chấp hành Tỉnh ủy cử làm Thư ký Liên hiệp Công đoàn tỉnh Hưng Yên.

Tháng 2/1948: Tại Hoàng Xá (huyện Tiên Lữ), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ III. Đại hội kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng cho nhiệm kỳ tới, bầu Ban chấp hành gồm 11 đồng chí ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, đồng chí Lê Thành được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 7/1949: Tại Lệ Chi (Tiên Lữ), đã tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ III. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 15 đồng chí, đồng chí Trịnh Quí Dần được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. 

Ngày 1-20/4/1950: Tỉnh ủy họp Hội nghị cán bộ tại Quyển Sơn (Hà Nam). Đây là Hội nghị lịch sử vì sau trận càn Điabôlô (từ 22-31/12/1949), địch chiếm toàn bộ Hưng Yên, Tỉnh ủy Hưng Yên cùng các cơ quan chỉ đạo đã bị bật khỏi địa bàn, không giữ được đất, không nắm được dân. Chính Hội nghị Quyển Sơn đã nhận định: "Tư tưởng cầu an như một màn đen bao trùm đè nặng…". Do đó, Hội nghị đề ra nhiệm vụ trọng tâm "đả phá tư tưởng cầu an, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, tất cả hướng về nội địa, bám đất bám dân để hoạt động, xây dựng phong trào". Hội nghị quyết định mở cuộc vận động "Đả phá tư tưởng cầu an" từ 20/4 đến hết tháng 6 năm 1950 để khôi phục phong trào. Hội nghị đã đề ra 13 nhiệm vụ cụ thể.

Ngày 18/8/1950: Địch thành lập trường Trung học Hưng Yên và Gia Lâm.

Máy bay Pháp bị bắn rơi tại xã Minh Khai,
Tiên Lữ (1952)

Đầu tháng 1/1950: Toàn tỉnh có tổng số 15.027 đảng viên, chỉ trong 2 năm (1950-1951) lực lượng đảng viên giảm đi nhiều, đến tháng 12/1951, toàn tỉnh chỉ còn 4.579 đảng viên. Tỉnh ủy đã có chủ trương phát triển Đảng, củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, đến cuối tháng 12/1953, toàn tỉnh đã có 153 chi bộ (trong đó có 116 chi bộ xã).

Ngày 5/2/1954: Hội nghị Tỉnh ủy họp đã đề ra những biện pháp cụ thể về chỉ đạo sản xuất, đấu tranh với địch trên các mặt, đặc biệt chú ý đẩy mạnh binh vận, địch vận.

Ngày 16/3/1954: Thành lập Ty Nông lâm Hưng Yên.

Tiếp quản thị xã Hưng Yên năm 1954

Đầu tháng 8/1954: Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp tại làng Phượng Tường (huyện Tiên Lữ) bàn kế hoạch tiếp quản thị xã và các địa điểm khi địch rút. Đúng 8 giờ sáng ngày 5/8/1954, địch cử đại diện gặp cán bộ ta, hẹn ta đến 14 giờ chiều cùng ngày chúng sẽ bàn giao thị xã Hưng Yên, nhưng 12 giờ 45, chúng lên xe rút khỏi thị xã. Đúng 14 giờ bộ đội ta vào tiếp thu các vị trí. Tại các địa phương, ta cũng chủ động tiếp quản các vị trí khi địch rút quân.

Nữ du kích Hoàng Ngân

Nhìn lại cuộc kháng chiến của quân dân Hưng Yên dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trải qua 7 năm 6 tháng 23 ngày (từ 4/1/1947 đến 27/7/1954), quân dân Hưng Yên đã chiến đấu 9.022 trận, tiêu diệt 19.275 tên địch (có 725 lính Âu, 336 lính Phi); bắt sống 4.917 tên, gọi ra hàng 12.052 tên với 20 xe quân sự, 7 đại liên, 10 trung liên, 245 tiểu liên, 298 súng trường, 95 súng ngắn… Ta thu chiến lợi phẩm được 2 đại bác, 31 đại liên, 263 trung liên. 454 tiểu liên, 2.933 súng trường, 64 súng cối, 2 khẩu ĐKZ, 270 máy vô tuyến điện, phá hủy 483 khẩu súng các loại, 240 xe quân sự, 62 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 52 đầu tầu hoả cùng 154 toa, bắn rơi 2 máy bay, bắn đắm 1 tàu chiến, 7 ca nô.

Với những thành tích to lớn đó, Hưng Yên được Đảng và Nhà nước trao tặng 10 Huân chương quân công, 30 Huân chương kháng chiến và hàng vạn huân, huy chương các loại tặng cho các cơ quan, đơn vị, gia đình và các cá nhân.

Ngày 2/9/1954: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính tỉnh tổ chức duyệt binh kỷ niệm ngày Quốc khánh (2/9).

Tháng 12/1954: Ủy ban hành chính tỉnh ra tờ "Tin Hưng Yên" cơ quan thông tin của Ủy ban hành chính tỉnh.

Ngày 13/2/1955: Ủy ban hành chính tỉnh ra Quyết định số 51 đổi tên các phố trong thị xã Hưng Yên: Phố Mộc Sang ghép thêm thôn Nam Hòa lấy tên là phố Hoàng Hanh; phố Tân Nhân, Tân Thị lấy tên là phố Minh Khai; phố Bến Tầu lấy tên là phố Lê Hồng Phong; phố Bắc Hòa lấy tên là phố Lê Lợi; phố Hiến Nam, phố Nguyệt Hồ ghép thêm thôn Mậu Dương lấy tên là Phố Quang Trung; phố Hữu Môn lấy tên là phố Trần Hưng Đạo.

Ngày 15/3/1955: Hưng Yên thành lập 2 công ty (Công ty Bách hóa 1 và Công ty Lương thực kiêm lâm thổ sản).

Ngày 25/3/1955: Tỉnh thành lập Tiểu ban trung đại tiểu thủy nông.

Ngày 6/4/1955: Ủy ban hành chính tỉnh ra Quyết định số 417 cắt 3 thôn (Lương Điền, Phương Cái, Nam Tiến) thuộc xã Hiến Nam thị xã Hưng Yên thành xã riêng về huyện Tiên Lữ. Cắt An Vũ, Nhân Dục thuộc xã Hiến Nam chuyển về Kim Động.

Tháng 5/1955: Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị học Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác thực hiện cải cách ruộng đất.

Ngày 14/9/1955: Ủy ban hành chính tỉnh ra Quyết định số 33 điều chỉnh địa giới hành chính một số huyện: 

  • Cắt một nửa xã Mễ Sở gồm các thôn Phú Trạch, Nhạn Tháp, Mễ Sở, Phú Thị, Hoàng Trạch và ấp Bằng Nha thuộc huyện Khoái Châu lập xã mới lấy tên là xã Mễ Sở thuộc huyện Văn Giang.
  • Cắt xã Phú Thịnh gồm thôn Phó Nham và hai thôn Phú Khê, Thọ Nham trước thuộc xã Thọ Vinh huyện Khoái Châu về huyện Kim Động.
  • Cắt thôn Bùi Xá thuộc xã Nguyễn Huệ huyện Khoái Châu nhập vào xã Đồng Thanh huyện Kim Động.
  • Cắt xã Quảng Lãng thuộc huyện Kim Động cùng thôn Bảo Tàng xã Phan Chu Trinh lập thành xã mới là xã Quảng Lãng thuộc huyện Ân Thi.
  • Cắt thôn Lôi Cầu, Đê Cầu thuộc huyện Kim Động hợp với xã Đồng Tiến huyện Khoái Châu, cắt thôn Trượng Cước xã Hợp Hòa huyện Kim Động về xã Quang Trung huyện Ân Thi.
  • Cắt xã Diên Hồng, giữ toàn bộ các thôn của xã trước thuộc huyện Ân Thi chuyển về huyện Kim Động.

Ngày 11- 29/10/1955: Tỉnh tổ chức đón đoàn cán bộ, bộ đội miền Nam ra tập kết.

Nông dân xã Hiến Nam chia quả thực
trong cải cách ruộng đất

Tháng 2/1956:  Hưng Yên tiến hành cải cách ruộng đất.

Tháng 7/1956: Hưng Yên được thưởng cờ "Tỉnh chống hạn khá nhất miền Bắc" của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban hành chính tả ngạn tặng cờ Luân lưu thi đua sản xuất.

Ngày 17/1/1957: Ủy ban hành chính tỉnh ra Quyết nghị số 203 đổi tên một số xã của huyện Phù Cừ như: xã Thọ Hải lấy tên là xã Minh Hoàng; xã Minh Sơn lấy tên là xã Tống Trân; xã Thọ Sơn lấy tên là xã Nguyên Hòa.

Tháng 12/1957: Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ 4. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 11 đồng chí, đồng chí Phạm Cao là Thư ký, đồng chí Vũ Lâm là Phó thư ký công đoàn.

Năm 1957: Thành lập Thư viện tỉnh.

Ngày 5/3/1958: Tỉnh ủy Hưng Yên chỉ thị cho nhân dân tham gia trồng cây trên đường số 5.

Ngày 3/6/1958: Thành lập Thanh tra Hưng Yên.

Ngày 15/7/1958: Đại hội Chiến sĩ thi đua công nông binh.

Trên công trường Bắc Hưng Hải (1958)

Ngày 1/10/1958: Khởi công xây dựng cống Xuân Quan (Văn Giang) là đầu mối của công trình thủy nông Bắc- Hưng- Hải. Đây là công trình lớn nhất nước, phục vụ 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh, cùng một số xã ngoại thành Hà Nội, tới dự có Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô, các phóng viên báo trong và ngoài nước và gần 2 vạn 500 người. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ nhát cuốc đầu tiên tại cống Xuân Quan (Văn Giang) mở đầu cho đợt  thi đua trên công trường Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải.

Ngày 30/1/1959: Đại hội tổng kết bình dân học vụ toàn tỉnh 1958. Hưng Yên được công nhận là tỉnh đủ tiêu chuẩn hoàn thành căn bản việc xóa mù chữ.

Đầu tháng 2/1959: Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về quy hoạch hóa thủy lợi 4 năm (1955-1958). Hội nghị  đã nêu phương châm giữ nước là chính, tiểu thủy lợi là chính, dân làm là chính.

Ngày 5/2/1959: Khánh thành cống Xuân Quan - đầu mối của hệ thống thủy nông Bắc - Hưng - Hải.

Ngày 1/3/1959: Tổng điều tra dân số, tỉnh Hưng Yên có 605.539 người, trong đó nam là 275.812 và nữ là 329.727 người. Công giáo có 20.328 người, toàn tỉnh có 12 thôn công giáo toàn tòng.

Ngày 9-15/3/1959: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Đại hội có 131 đại biểu chính thức và 14 đại biểu dự khuyết. Đại hội đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 1959 sẽ đưa 90% số hộ nông dân vào tổ đổi công và 50-60% số hộ nông dân vào hợp tác xã. Đại hội cũng tiến hành bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 25 đồng chí ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Quý Quỳnh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 13-17/4/1959: Đại hội Đoàn thanh niên lao động tỉnh Hưng Yên. Đại hội đã đánh giá kết những kết quả mà cán bộ, đoàn viên và thanh niên toàn tỉnh đạt được năm 1958: "Phong trào đoàn được tăng cường. Thanh niên thực sự đi đầu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là mặt trận thủy lợi và trên mặt trận cải tiến kỹ thuật tăng năng suất lúa, màu. Lực lượng thanh niên đã giữ vai trò xung kích trong cuộc vận động tham gia tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã và phong trào thanh toán nạn mù chữ".  Đại hội đã đề ra những mục tiêu phấn đấu cho tuổi trẻ Hưng Yên năm 1959 và bầu Ban chấp hành gồm 33 đồng chí. Đồng chí Tạ Lương được bầu làm Bí thư Tỉnh đoàn.

Ngày 21/4/1959: Đại hội Mặt trận Tổ quốc tỉnh lần II. Đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dự và nói chuyện với Đại hội.

Tháng 4/1959: Tỉnh quyết định thành lập Xưởng cơ khí đầu tiên của tỉnh tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ. Xưởng gồm 32 công nhân, với số vốn là 22 ngàn đồng. Xưởng chủ yếu sản xuất lưỡi cày, bừa phục vụ nông nghiệp.

Ngày 10/5/1959: Khởi công xây dựng nhà máy xay Yên Mỹ.

Ngày 5-9/6/1959: Hội nghị Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III họp tại thị xã Hưng Yên. Hội nghị thông qua báo cáo công tác năm 1958 và quyết nghị về nhiệm vụ công tác năm 1959. Hội nghị cũng tổ chức lễ đón Huân chương lao động hạng Hai về thành tích xóa nạn mù chữ do Hội đồng Chính phủ tặng thưởng. Hội nghị bầu Ủy ban hành chính tỉnh gồm 17 ủy viên và 48 vị hội thẩm nhân dân. Đồng chí Trần Duy Dương được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh.

Ngày 1/10/1959: Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn quy hoạch hóa thủy lợi toàn tỉnh Hưng Yên.

Ngày 26/12/1959: Thành lập trường Sơ cấp sư phạm Hưng Yên, trường có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho Hưng Yên và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình và cung cấp giáo viên cho Việt Bắc, Tây Bắc.

Ngày 2/5/1960: Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ 7 khai mạc.Về dự Đại hội có 130 đại biểu. Đại hội làm việc trong 3 ngày, kiểm điểm và biểu dương thành tích của phong trào công đoàn từ Đại hội lần thứ 6 và đề ra nhiệm vụ cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức đẩy mạnh phong trào thi đua, nâng cao nhận thức về vai trò của cán bộ công đoàn, phấn đấu trở thành những đơn vị và cá nhân tiên tiến, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đại hội bầu Ban chấp hành Công đoàn tỉnh gồm 19 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, đồng chí Vũ Lâm được bầu làm Thư ký.

Ngày 8/5/1960: Bầu đại biểu Quốc hội khóa II toàn tỉnh có 99,93% cử tri đi bỏ phiếu. Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên khóa II gồm 12 người: Bùi Xuân Luật, Trần Duy Dương, Trần Thị Huệ, Nguyễn Hữu Mai, Nguyễn Tiến Mỹ, Nguyễn Văn Ngưa, Đinh Văn Oanh, Đào Thị Tấn, Cao Thắng, Phạm Huy Thông, Phạm Hữu Tình, Hoàng Tú.

Ngày 27/6-6/7/1960: Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ V (vòng một) được tổ chức. Đại hội có 262 đại biểu chính thức, 18 đại biểu dự khuyết và 19 đại biểu chỉ định đại diện cho 6.974 đảng viên trong toàn tỉnh về dự Đại hội. Tại Đại hội, các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý vào báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương, bầu Đoàn đại biểu gồm 9 đồng chí chính thức và một đồng chí dự khuyết đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Tháng 12/1960: Thành lập trường Tô Hiệu tại Khoái Châu.

Tháng 12/1960: Khởi công xây dựng cống Kênh Cầu, là công trình thủy lợi đầu tiên lớn nhất tỉnh. Cống được xây dựng trên ngã ba sông Kim Sơn, hệ thống Bắc - Hưng - Hải thuộc xã Dân Chủ, huyện Yên Mỹ. Cống hoàn thành sẽ phục vụ tưới nước cho các huyện khu nam tỉnh Hưng Yên, một số huyện của tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.

Ngày 21-29/3/1961: Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ V (vòng hai) được tổ chức. Về dự Đại hội có 213 đại biểu chính thức. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 25 ủy viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Quý Quỳnh được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy.

Ngày 20/4/1961: Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, Quốc hội đã ra Nghị quyết cắt xã Văn Đức thuộc huyện Văn Giang về huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội.

Cuối tháng 4/1961: Khởi công xây dựng trạm bơm Như Quỳnh (huyện Văn Lâm). Đây là một công trình thủy lợi lớn nhằm mở rộng diện tích tưới nước của hệ thống thủy nông Bắc - Hưng - Hải, cung cấp cho các huyện phía nam tỉnh Bắc Ninh và huyện Văn Lâm.

Ngày 3-6/10/1961: Đại hội Hội phụ nữ tỉnh Hưng Yên lần thứ III họp tại thị xã Hưng Yên. Đại hội đánh giá phong trào phụ nữ qua 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa (1959-1961) và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho hai năm (1962-1963) là "tăng cường đoàn kết các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, kiên quyết cùng toàn dân đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho tỉnh Hưng Yên thành một tỉnh giàu và đẹp trên cơ sở đó đưa sự nghiệp giải phóng phụ nữ của tỉnh tiến lên một bước cao hơn, góp phần thiết thực đẩy mạnh cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà mau thắng lợi". Đại hội đã cụ thể hóa những nhiệm vụ cho từng đối tượng chị em nông dân; công nhân viên chức, tiểu thương và bầu Ban chấp hành mới gồm 27 đồng chí. Đồng chí Hoàng Mai được bầu làm Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh.

Ngày 22/3/1962: Tỉnh ủy Hưng Yên tổng kết công tác khai hoang năm 1960-1961.

Anh hùng lao động
Phạm Thị Vách

Ngày 4-6/5/1962: Đại hội liên hoan, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 họp tại Hà Nội. Về dự Đại hội, tỉnh Hưng Yên có 4 đơn vị và 20 chiến sĩ thi đua. Cả 4 đơn vị được tặng cờ "Đơn vị tiên tiến", 7 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 6 cá nhân được tặng bằng khen của Chủ tịch nước, 5 cá nhân được tặng Bằng khen của Phủ Thủ tướng. Chị Phạm Thị Vách, xã Hùng Cường, huyện Kim Động được tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" và Huân chương lao động hạng Nhất.

Ngày 14-17/5/1962: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa III họp phiên đầu tiên. Hội đồng đã nghe báo cáo về tình hình và dự toán ngân sách cho năm 1962. Hội đồng nhân dân tỉnh đã bầu Ủy ban hành chính tỉnh, Đồng chí Mai Văn Hách được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh khóa III.

Ngày 24-25/5/1963: Hội nghị liên hoan các anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn tỉnh. Đại hội có 300 chiến sĩ thi đua về dự, xã Tân Dân được chọn là đơn vị khá nhất.

Ngày 6-10/9/1963: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ VI được tổ chức. Về dự Đại hội có 242 đại biểu chính thức và 18 đại biểu dự khuyết. Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 17 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Quý Quỳnh được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy khóa VI.

Ngày 30/2/1964: Đại hội công đoàn tỉnh lần VI. Đại hội bầu Ban chấp hành  công đoàn gồm 15 đồng chí, đồng chí Vũ Lâm được bầu làm Thư ký.

Ngày 26/4/1964: Bầu đại biểu Quốc hội khóa III, Hưng Yên có 99,50% cử tri đi bầu, Đoàn đại biểu Quốc hội Hưng Yên có 12 người: Đào Thị Bảo, Trần Vĩnh Bảo, Dương Quốc Chính, Tô Quang Đẩu, Phạm Văn Hà, Nguyễn Hữu Hạ, Bồ Xuân Luật, Trần Văn Kỷ, Trần Đức Quang, Lê Quý Quỳnh, Phạm Huy Thông, Phạm Thị Vách.

Ngày 2/5/1964: Đại hội liên hoan đại biểu các tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa và chiến sĩ thi đua toàn tỉnh Hưng Yên năm 1963. Đại hội có 10 tổ lao động xã hội chủ nghĩa và 135 chiến sĩ thi đua yêu nước (mỗi người làm việc bằng hai) về dự.

Bác Hồ tặng cờ "Làm thủy lợi khá nhất" (16-9-1961)

Ngày 30/7-1/8/1964: Tỉnh Hưng Yên đón cờ thưởng luân lưu "Làm thủy lợi khá nhất" của Hồ Chủ Tịch tặng. Trong 6 tháng đầu năm 1964, toàn tỉnh đã đào đắp được hơn 6 triệu m3 đất, đắp được 1.135 bờ vùng, 70% diện tích các loại cây trồng đã có năng suất cao hơn trước.

Ngày 30/8-1/9/1964: Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh, có 350 cháu ngoan Bác Hồ về dự, trong đó có 29 cháu được tặng Huy hiệu Bác Hồ.

Ngày 1/6/1965: Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IV họp kỳ thứ nhất, kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, tổng kết công tác bầu cử, bầu Ủy ban hành chính tỉnh gồm 13 người. Đồng chí Mai Văn Hách tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh khóa IV.

Ngày 20/6/1965, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh  và Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức trao kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công và Bằng có công với nước cho các tập thể, cá nhân có công với cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Ngày 1/8/1966: Quân và dân Hưng Yên lập chiến công nổ súng kịp thời bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ A4D bằng súng bộ binh.

Ngày 26/8/1966: Đảng bộ nhân dân Hưng Yên tổ chức đón nhận Cờ thưởng luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của Hồ Chủ tịch tặng. Thừa ủy quyền, Đại tá Nguyễn Quyết, chính ủy Quân khu ba trao cờ.

Đầu tháng 1/1967: Các chị Vũ Thị Tỵ, Vũ Thị Lục được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động.

Tháng 1/1967: Bộ Giáo dục nước ta và Đại sứ quán nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Hungari tổ chức lễ ký kết nghĩa giữa Trường cấp III thị xã Hưng Yên với trường Hamakato thuộc tỉnh Vác của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Hungary.

Ngày 11/3/1967: Quân và dân Hưng Yên bắn rơi chiếc máy bay thứ 5.

Ngày 23/3/1967: Hội đồng Chính phủ quyết định tặng thưởng Huân chương lao động hạng Hai cho cán bộ, đoàn viên thanh niên tỉnh Hưng Yên về thành tích vừa sản xuất vừa chiến đấu giỏi trong hai năm 1964-1965, góp phần giành nhiều thắng lợi cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Ngày 22/5/1967: Hội nghị tổng kết chuyên đề gia đình văn hóa do Ty Văn hóa Hưng Yên tổ chức. Về dự Hội nghị có đại biểu của 13 tỉnh thành phố trên miền Bắc. Hội nghị đã nghe báo cáo tổng kết phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới góp phần xây dựng nếp sống mới ở nông thôn, khẳng định gia đình là một loại hình trong công tác văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân cải tạo nếp sống cũ, xây dựng nếp sống mới xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó nâng cao trình độ nhận thức, tư tưởng phục vụ tốt hơn nữa cho sản xuất, chiến đấu và đời sống. Hội nghị còn rút ra những bài học kinh nghiệm của quá trình xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng nếp sống mới ở nông thôn, đẩy mạnh phong trào trong những năm tới.

Ngày 30/6-1/7/1967: Hội nghị Tỉnh ủy Hưng Yên mở rộng bàn phương hướng của kế hoạch 3 năm 1968-1970. Hội nghị đã kiểm điểm rút kinh nghiệm việc thực hiện bước ngoặt chuyển hướng của từng thời kỳ: 3 năm khôi phục kinh tế (1954-1957); 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế (1958-1960); 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội (1961-1965) và 2 năm chống Mỹ (1966-1967). Hội nghị khẳng định: Tỉnh Hưng Yên trong những năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn; hợp tác xã nông nghiệp ngày càng được củng cố, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, nền nông nghiệp ngày càng được phát triển làm cơ sở cho công nghiệp phát triển. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Hội nghị xác định phương hướng của 3 năm tới: Tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện làm cơ sở cho công nghiệp phát triển với tinh thần nhanh hơn, mạnh hơn để chiến thắng giặc Mỹ và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật  cho chủ nghĩa xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.

Tháng 7/1967: Sau một năm thực hiện lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (17/7/1966), quân và dân Hưng Yên đã giành được những thắng lợi vẻ vang.

Trên mặt trận nông nghiệp:

Vụ mùa năm 1966 đạt năng suất 24,50 tạ thóc/1 ha (năng suất lúa cao nhất trong 6 năm vừa qua). Huyện Yên Mỹ đạt 5 tấn thóc/ha cả năm.

Vụ đông xuân 1966-1967 giành được thắng lợi to lớn và toàn diện.

  • Lúa chiêm tốt hơn những năm trước đây đạt 20 tạ 45 kg thóc/1ha.
  • Lúa xuân cấy nhiều nhất miền Bắc, đạt năng suất từ 26 đến 28 tạ/1ha.
  • Khoai lang, sản lượng tăng hơn năm 1965: 86,5%
  • Ngô đạt năng suất 18 tạ/1ha, vượt kế hoạch 213%.

Trên  mặt trận công nghiệp:

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp năm 1966 tăng gấp hơn hai lần năm 1961.

Chiến đấu:

  • Bắn rơi 5 máy bay Mỹ, được Hồ Chủ Tịch trao cờ luân lưu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
  • Phong trào xây dựng lực lượng hậu bị, làm công tác phòng không nhân dân và đưa người đi chiến đấu có nhiều thành tích lớn. Riêng năm 1966, có 66 đơn vị được Chính phủ công nhận là đơn vị Quyết thắng, 8 đơn vị được thưởng Huân chương chiến công.

Giao thông vận tải: Đạt nhiều thắng lợi to lớn trên các mặt phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống.

Ngày 31/7/1967: Quân và dân Hưng Yên lập chiến công vẻ vang bắn rơi chiếc máy bay F8 của giặc Mỹ. Xác chiếc máy bay đã rơi xuống cánh đồng thôn Minh Khai, xã Tiền Tiến, huyện Văn Lâm (nay là thị trấn Như Quỳnh). Đây là chiếc máy bay thứ 6 mà quân và dân Hưng Yên đã bắn rơi.

Ngày 6/8/1967: Hưng Yên bắn rơi chiếc máy bay Mỹ do thám không người lái.

Ngày 2/9/1967: Ty Giáo dục tỉnh Hưng Yên tổ chức trọng thể lễ mừng quốc khánh (2/9) và đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Hội đồng Chính phủ tặng về thành tích làm tốt công tác bổ túc văn hóa và mẫu giáo trong năm 1966.

Ngày 17/9/1967: Tỉnh đoàn thanh niên lao động tỉnh Hưng Yên đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai do Chủ tịch Hội đồng Chính phủ tặng cho phong trào thanh niên trong tỉnh đã lập được  nhiều thành tích  trên các mặt trận sản xuất và chiến đấu. Trong năm 1967, thanh niên Hưng Yên đã xây dựng được 538 cánh đồng "5 tấn thắng Mỹ" gồm 9.868 ha, năng suất tăng thêm từ 10kg đến 20 kg thóc/1 sào Bắc bộ, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh tăng thêm hàng ngàn tấn thóc. Trong buổi đón nhận phần thưởng cao quý này, thay mặt tuổi trẻ Hưng Yên, đồng chí Quang Tuynh- Bí thư Tỉnh đoàn thanh niên đã hứa hẹn: "Thanh niên Hưng Yên quyết tâm lập nhiều thành tích mới trong sản xuất, chiến đấu và nâng cao đời sống, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Ngày 18/9/1967: Quân và dân Hưng Yên bắn rơi một chiếc máy bay không người lái của giặc Mỹ.

Cuối tháng 9/1967: Sau khi được tuyên dương là Trường sư phạm tiên tiến nhất miền Bắc, trường Sư phạm cấp II Hưng Yên tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong sự nghiệp đào tạo  người giáo viên nhân dân, khắc phục mọi khó khăn trở thành trường sư phạm tiên tiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 2/10/1967: Trường trung cấp nông nghiệp tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương lao động hạng Ba của Hội đồng Chính phủ và lá cờ "Trường trung học nông nghiệp thi đua xuất sắc nhất năm 1966" của Bộ Nông nghiệp tặng, đồng thời làm lễ sáp nhập giữa hai trường Trung cấp nông nghiệp và trường Tô Hiệu lấy tên là trường Tô Hiệu.

Ngày 3/10/1967: Tỉnh Hội phụ nữ Hưng Yên tổ chức long trọng lễ đón nhận Huân chương lao động hạng hai về thành tích trong phong trào "Ba đảm đang" năm 1966 của Hội đồng Chính phủ tặng. Trong buổi lễ này có 15 đơn vị được Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam tặng cờ "Đơn vị xuất sắc".

Ngày 21-23/10/1967: Ủy ban hành chính tỉnh Hưng Yên mở Hội nghị phát động  vụ đông xuân năm 1967-1968. Hội nghị đã đề ra các biện pháp: làm thật tốt công tác giống, mở rộng diện tích lúa xuân, mở rộng diện tích cày ải, mở rộng diện tích khoai tây, phát triển mạnh đàn lợn tập thể, tổ chức nhiều đội chuyên trách, tiến mạnh vào thâm canh giành bằng được vụ đông xuân thắng lợi to lớn toàn diện, chủ yếu giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm.

Xác máy bay Mỹ bị bắn rơi
ở Đại Tập, Khoái Châu (1967)

Ngày 29/10/1967: Quân và dân Hưng Yên lập công thắng lớn, bắn rơi 3 máy bay của Mỹ xâm phạm vùng trời Hưng Yên.

Giữa tháng 11/1967: Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên họp phiên bất thường, bàn chuẩn bị việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Hội nghị ra Nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hợp nhất hai tỉnh lấy tên là tỉnh Hải Hưng.

Ngày 17/11/1967: Quân dân Khoái Châu bắn rơi tại chỗ 1 máy bay, bắt sống giặc lái Mỹ bằng 167 viên đạn súng bộ binh.

Nhìn lại 10 năm từ 1957-1967, Hưng Yên được Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ Tịch tặng thưởng: 6 Huân chương lao động hạng Nhất; 34 Huân chương lao động hạng Hai; 216 Huân chương lao động hạng Ba; 1 Huân chương quân công hạng Hai; 1 Huân chương chiến công hạng Nhất; 1 Huân chương chiến công hạng Hai; 15 Huân chương chiến công hạng ba; Cờ thưởng luân lưu làm thủy lợi khá nhất (1961-1965) của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Cờ thưởng luân lưu làm công tác giao thông vận tải nông thôn khá nhất của Hồ Chủ Tịch; Cờ thưởng luân lưu về thành tích xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa của Trung ương Đảng; Cờ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hồ Chủ Tịch.

Nguồn : Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.