Hưng Yên thời kỳ thực dân Pháp đô hộ (1883-1945)

Cuối tháng 2 đầu tháng 3/1890 thực dân Pháp thành lập đạo Bãi Sậy gồm 4 huyện Văn Lâm, Cẩm Lương, Yên Mỹ và Mỹ Hào.

Văn chỉ Bình Dân (Khoái Châu),
nơi Nguyễn Thiện Thuật tế cờ khởi nghĩa

Cuối tháng 2 đầu tháng 3/1890 thực dân Pháp thành lập đạo Bãi Sậy gồm 4 huyện Văn Lâm, Cẩm Lương, Yên Mỹ và Mỹ Hào.

Năm 1891 thực dân Pháp lại bỏ đạo Bãi Sậy, đưa các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào vào Hưng Yên.

Ngày 28/11/1894 chính quyền thực dân cắt hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà của Hưng Yên về Thái Bình.

Cây đa Sài thị (Khoái Châu), nơi treo cờ Đảng,
thành lập chi bộ Đảng đầu tiên (1929)

Cuối năm 1928, chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị được thành lập, chi bộ có 7 đồng chí. Đây là chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Hưng Yên, chi bộ được thành lập đã có những hoạt động tích cực như tuyên truyền giác ngộ quần chúng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu bắt lính, in tài liệu tuyên truyền…

Đến cuối năm 1929, chi bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Sài Thị chuyển thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị. Được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập Hội nghị từ ngày 3 đến ngày 7/2 năm 1930 thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

 

Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944)

Sau khi thống nhất các tổ chức Đảng không lâu, cấp trên đã về Hưng Yên chuyển Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị. Năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị đã có những hoạt động tích cực như treo cờ Đảng, dán áp phích, rải truyền đơn, giới thiệu Cương lĩnh của Đảng làm thức tỉnh lòng yêu nước của quần chúng nhân dân, để họ sẵn sàng đi theo cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh
(1915-1989)

Đầu tháng 7/1941 dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy, tỉnh Hưng Yên mở Hội nghị các chi bộ Đảng  tại Ninh Thôn (Cẩm Ninh, Ân Thi). Hội nghị đã thảo luận tình hình trong nước, quốc tế, học nghị quyết của Trung ương và quyết định một số vấn đề lớn. Hội nghị đã thống nhất cử Ban chấp hành Tỉnh ủy lâm thời gồm 5 đồng chí: Liệu, Vũ, Biểu, Thọ, Ái, trong đó đồng chí Liệu tức Nguyễn Thanh Liệu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.

Đêm ngày 12/3/1945 tự vệ, Việt Minh tổ chức đánh đồn Bần lần thứ nhất, lực lượng ta ít, vũ khí thô sơ, nhưng đã chiến thắng nhanh chóng. Ta thu toàn bộ vũ khí gồm 20 súng trường, 1 trung liên, 6.000 viên đạn. Đây là trận đánh sau đó được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ.

Ngay từ đầu tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân phát triển rất rầm rộ, các cơ sở Việt Minh của các huyện đã chủ động tổ chức nhân dân đấu tranh, tấn công vào các huyện đường. Chỉ trong vòng một tuần, chính quyền địch ở các huyện liên tiếp bị Việt Minh tấn công. Mở đầu là trận ngày 14/8/1945, Việt Minh huyện Phù Cừ tấn công vào huyện đường giành thắng lợi. Tiếp theo ngày 15/8/1945, Việt Minh Kim Động và Khoái Châu tấn công huyện đường Khoái Châu, giải phóng Khoái Châu, ta thu được 20 súng cùng một số đạn.

Ngày 16/8/1945, lực lượng Việt Minh tấn công vào đồn Bần lần hai. Ngày 17/8/1945, lực lượng Việt Minh đã tấn công vào các huyện đường và giải phóng các huyện Tiên Lữ, Văn Giang, Mỹ Hào. Đến ngày 18/8/1945, Tỉnh bộ Việt Minh mới nhận được lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh. Ban cán sự và Tỉnh bộ Việt Minh cấp tốc mở Hội nghị tại Thổ Cốc (Yên Mỹ) để thông báo lệnh khởi nghĩa.

Biểu tình khởi nghĩa
giành chính quyền tại thị xã Hưng Yên (22-8-1945)

Hội nghị quyết định: Những nơi đã khởi nghĩa đánh úp huyện đường thì tổ chức mít tinh, giải tán chính quyền cũ thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, những nơi chưa khởi nghĩa thì tiếp tục khởi nghĩa bằng biểu tình vũ trang của quần chúng. Cũng ngày 18/8/1945 lực lượng Việt Minh tấn công huyện đường Ân Thi và giải phóng huyện Ân Thi.

Ngày 19/8/1945, giải phóng huyện Yên Mỹ. Ngày 21/8/1945, giải phóng huyện Văn Lâm.

Ngày 22/8/1945, ta tổ chức tổng biểu tình giành chính quyền trong toàn tỉnh. Cuộc tổng biểu tình đã thực hiện theo đúng kế hoạch.

Ngày 22/8/1945, ta giải phóng thị xã Hưng Yên. Ngay đêm 22/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập, Ủy ban lâm thời gồm 5 đồng chí, đồng chí Học Phi được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên.

Sáng ngày 23/8/1945, tại sân vận động thị xã Hưng Yên, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời ra mắt trước đông đảo nhân dân, kêu gọi nhân dân đoàn kết, hăng hái gia nhập Việt Minh, tích cực bảo vệ chính quyền cách mạng.

Ngày 26/9/1945, Chi đội tình nguyện vào Nam chiến đấu đầu tiên của Hưng Yên lên đường đi nhận nhiệm vụ.