Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001 - 2010

Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001-2010 đã xác định được mục tiêu cụ thể

Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2001-2010 đã xác định mục tiêu cụ thể là:

1. Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm

A. Định hướng phát triển

Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống... theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm. Chú trọng chế biến các sản phẩm xuất khẩu, đưa ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp nông thôn.

Tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị cao.

B. Mục tiêu

Đến năm 2005 phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp chế biến nông sản-thực phẩm là 412 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Đến 2010 đạt giá trị sản xuất 664,1 tỷ đồng. Bình quân 10 năm tăng trưởng đạt xấp xỉ 10%/năm.

Sản phẩm chủ yếu hàng năm: thịt đông lạnh xuất khẩu 2.000 tấn, rau quả 2.500 tấn, bia, nước giải khát các loại 15 triệu lít/năm.

2. Công nghiệp dệt may, da giầy

A. Quan điểm phát triển

1. Ngành dệt may

Phát triển ngành dệt may Hưng Yên gắn liền quy hoạch dệt may phân theo vùng lãnh thổ và cả nước.

Gắn phát triển ngành dệt may với phát triển vùng nguyên liệu như trồng dâu, nuôi tằm, trồng đay. Tận dụng nguồn lao  động trong tỉnh.

Đầu tư cho sản phẩm  có thị trường, có lợi thế cạnh tranh. Phát huy nội lực của tỉnh, ưu tiên đầu tư của các Tổng Công ty nhà nước, đầu tư nước ngoài.

Phát triển theo các hướng: Giảm dần đi đến chấm dứt việc gia công bằng cách xuất khẩu trực tiếp với giá trị quốc nội ở mức cao nhất; Mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách ổn định các thị trường truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới như Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Phi.... Chú trọng thị trường nội địa trong tỉnh và các tỉnh lân cận; Tăng hàm lượng chất xám bằng cách chủ động sáng tạo mẫu mã theo kịp thời trang của thế giới.  

2. Ngành da-giầy

Phát triển sản xuất giầy thể thao, giầy vải xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; giầy dép da, giả da và các sản phẩm giả da tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Xây dựng cơ sở sản xuất đế giầy, mũi giầy và phụ liệu nhằm tăng tỷ trọng sử dụng các nguyên liệu trong nước.

B. Mục tiêu

Đến năm 2010, ngành dệt-may của Hưng Yên phấn đấu đạt 12 triệu sản phẩm may, 3.000 tấn sợi, 40 tấn tơ tằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, 20 triệu mét vải xuất khẩu, đáp ứng phụ liệu may cho vùng và ngành Da - Giầy đạt 10 triệu đôi sản phẩm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt trên 15 triệu USD, năm 2010 đạt 20 triệu USD.

Để đạt được các mục tiêu trên, công việc đầu tiên phải làm của công nghiệp dệt may, da giày tỉnh Hưng Yên là đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Các công trình đầu tư giai đoạn 2001-2005 cần 11.000 người (dệt may 9.400 người), giai đoạn 2006-2010 cần 14.000 người (dệt may cần 11.500 người). Đặc biệt là lực lượng kỹ sư kỹ thuật chuyên ngành sợi-dệt-nhuộm-may. Số lượng kỹ sư này cần khoảng 30-40 người. Tổng vốn giành cho đào tạo công nhân kỹ thuật khoảng 8 tỷ đồng cho mỗi  giai đoạn, chi phí đào tạo kỹ sư kỹ thuật khoảng 1 tỷ đồng.

Tăng cường đầu tư  cho trồng dâu nuôi tằm. Khôi phục và phát triển một số làng nghề dệt may ở Thị xã, Tiên Lữ, Kim Động, Phù Cừ. Giúp đỡ chuyển giao công nghệ cho các hộ gia đình, các hợp tác xã để dệt vải, khăn mặt. Khôi phục và phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén. Khuyến khích phát triển các cơ sở dệt lụa tơ tằm ở Thị xã, Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ.

Phát triển các doanh nghiệp trọng điểm và các sản phẩm mũi nhọn, các doanh nghiệp thuộc cụm  công nghiệp dệt may: Kéo sợi, dệt vải cao cấp phục vụ may xuất khẩu, quần áo may sẵn xuất khẩu, các phụ liệu, phụ kiện phục vụ cho công nghiệp dệt may. Các công ty may chuyên làm hàng may cao cấp xuất khẩu.

3. Công nghiệp cơ khí, thiết bị điện-điện tử, gia công kim loại và hóa chất

A. Định hướng phát triển

Đây là ngành công nghiệp rất quan trọng, có nhiều tiềm năng và được nhà nước chú trọng khuyến khích phát triển mạnh trong giai đoạn 2001-2010.

Mục tiêu phát triển của ngành ở Hưng Yên là đến 2005 đạt giá trị sản xuất công nghiệp 4.221,7 tỷ và đến 2010 đạt 5.921 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tương ứng 2001-2005 là 18,5% và 2006-2010 là 7%/năm. Tỷ trọng ngành trong cơ cấu công nghiệp đến 2005 đạt 72,07% và đến 2010 là 50,08%. Tạo việc làm cho hơn 35.000 lao động.

Sản phẩm chủ yếu của ngành  là phụ tùng cơ khí các loại, xe máy, động cơ, máy nông nghiệp, máy kéo, cơ khí tiêu dùng, thép cán các loại, trang thiết bị nội thất, dụng cụ gia đình, phụ tùng và lắp ráp thiết bị dệt, may, ôtô, xe máy chuyên dụng, đồ điện, điện tử dân dụng và một số mặt khác phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu...

Tham  gia tích cực vào các chương trình mục tiêu như nội địa hóa sản xuất ôtô, xe máy, cơ khí phục vụ nông nghiệp, cơ khí xuất khẩu để trên cơ sở đó tiếp nhận được đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong nước và  đầu tư nước ngoài. Phấn đấu trở thành một trung tâm sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật và dân dụng ở đồng bằng sông Hồng.

Song song với việc thu hút đầu tư phát triển theo bề rộng, cần tiếp tục đầu tư chiều sâu để nhanh chóng đưa vào sản xuất các dự án đang xây dựng và lắp đặt thiết bị. Phấn đấu nâng cao mức huy động công suất thiết kế của các nhà máy hiện có.

Hình thành một số làng nghề vệ tinh về sản xuất cơ khí, đồ nhựa dân dụng và công nghiệp để hỗ trợ và phối hợp với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Phát triển một số trung tâm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa bàn một số huyện phía nam để hỗ trợ quá trình  công nghiệp hóa  nông nghiệp nông thôn.

B. Quy hoạch phát triển

Trong giai  đoạn đến 2005,  xây dựng  và đưa vào sản xuất các doanh nghiệp trọng điểm đang xây dựng và lắp ráp thiết bị trên địa bàn đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2002-2003.

Đầu tư chiều sâu để nâng cao mức huy động công suất của các nhà máy hiện có. Phấn đấu đến 2005 đạt hơn 50% công suất cán thép hiện có. Đến 2010 đạt 80-90% công suất thép.

Ngoài các dự án đã đăng ký, cần tạo dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi để thu hút thêm một số dự án đầu tư mới của các Tổng công ty, các nhà máy cơ khí, các nhà máy nhựa công nghiệp chuyển dịch từ Hà Nội về Hưng Yên.

4. Quy hoạch công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng

A. Định hướng phát triển

Trong giai đoạn trước mắt các vật liệu xây dựng thông thường được tổ chức sản xuất đảm bảo cung cấp đủ, kịp thời cho nhu cầu nội tỉnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp địa phương đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng thông thường. Các loại vật liệu xây dựng cao cấp như gạch gốm, sứ, tấm lợp kim loại, sứ vệ sinh sẽ liên doanh hoặc tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác từ bên ngoài, từ các Tổng công ty đầu tư xây dựng.

B. Mục tiêu

 

Đến năm 2005 đạt 116 tỷ đồng giá trị sản xuất và đến 2010 đạt mức 162,7 tỷ đồng. Bình quân tăng trưởng 10 năm 2001-2010 là 7%/năm. Đến 2010 tỷ trọng của ngành này sẽ chiếm khoảng 1,38% trong cơ cấu công nghiệp.

Giai đoạn 2001-2005: Xây dựng 4 xí nghiệp gạch tuy nel ở Văn Giang, Khoái Châu, Tiên lữ và Phù Cừ với tổng công suất 15 triệu viên/năm. Tích cực triển khai áp dụng công nghệ lò đứng liên hoàn của LHQ giúp đỡ, sắp xếp quy hoạch lại việc sản xuất gạch thủ công nhằm đảm bảo chất lượng, tiết kiệm tài nguyên và không làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Đầu tư sản xuất tấm lợp Compozit công suất 500.000m2/năm. Tích cực chuyển đổi việc sử dụng ngói  nung sang ngói silicat hoặc tấm lợp bằng kim loại, xây dựng trạm trôn bê tông thương phẩm 5.000m3/năm với vốn đầu tư dự kiến khoảng 3 tỷ đồng tại Phố Nối.

Giai đoạn 2006-2010: Đầu tư nâng công suất 2 xí nghiệp gạch tuynel ở Tiên Lữ và Văn Giang lên 10 triệu viên/năm. Phát triển sản xuất gạch silicat tại thị xã Hưng Yên và Phố Nối với tổng công suất 15-20 triệu viên/năm. Tổ chức sản xuất ngói nung phủ men cao cấp, vật liệu xây dựng trang trí, công suất dự kiến khoảng 10 triệu viên/năm.

Xây dựng tại Phố Nối nhà máy sản xuất vật liệu chống thấm và cách nhiệt, nhà máy tấm trải sàn với tổng công suất 1,5 triệu m2/năm với vốn đầu tư khoảng 10-15 tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng xí nghiệp sản xuất gạch lát theo công nghệ tiên tiến của Úc hoặc Italia có công suất 10 triệu viên/năm.

5. Quy hoạch công nghiệp điện

A. Đường dây và trạm 220kv

Trạm 220 KV Phố Nối đã đưa vào vận hành năm 2002 được cấp điện từ nhà máy điện Phả Lại và từ trạm 220KV Hà Đông, với công suất máy biến áp 220 KV/110KV là 125 MVA. Dự kiến năm 2005 sẽ lắp thêm tổ máy biến áp 220 KV/110KV thứ hai cũng với công suất 125 MVA.

Giai đoạn 2011-2020 sẽ xây dựng  đường dây 220 KV: Sài Đồng - Phố Nối - Hưng Yên - Long Bối có tổng chiều dài 80 Km và trạm 220 KV Hưng Yên có tổng công suất: 250 MVA (2 x 125 MVA).

B. Đường dây và trạm 110 KV

Năm 2005 sẽ dầu tư xây dựng các trạm 110kv: thị xã Hưng Yên - công suất 1x25MVA; Như Quỳnh - công suất 1x40MVA; Phố Nối - 1x40MVA. Trong trạm 220KV Phố Nối có lắp một máy biến áp 110KV với công suất 25MVA.

Năm 2006 lắp thêm máy biến áp thứ hai cho trạm 110KV thị xã Hưng Yên với công suất 25MVA.

6. Quy hoạch công nghiệp sản xuất, phân phối nước sạch

A. Định hướng chung

Đến năm 2010: 100% các thị xã, thị trấn của Hưng Yên đều có nước sạch cung cấp cho dân cư với tiêu chuẩn 100-120 lít/người/ngày đêm. Các xí nghiệp công nghiệp được đảm bảo nước sạch để sản xuất.

B. Mục tiêu

Các dự án nhà máy nước sạch tỉnh Hưng Yên

 

Khu vực thị xã:

  • Năm 2003 khởi công xây dựng nhà máy nước dùng vốn ODA để đến đầu giai đoạn 2006-2010 hoàn thành đưa vào sản xuất với công suất 15.000m3/ngày đêm.
  • Sau năm  2010  mở rộng nhà máy nước này lên 20.000m3/ngày đêm. Đồng thời phát triển hệ thống đường ống phân phối nước đến hộ tiêu thụ.

 

Khu vực Phố Nối:

  • Giai đoạn 2001-2005: Xây dựng nhà máy nước Phố Nối bước đầu có công suất 3000m3/ngày đêm và  hệ thống cung  cấp nước, sau đó mở rộng  lên công suất  6000m3/ngày đêm.
  • Giai đoạn 2006-2010: Đầu tư  nâng công suất nhà máy nước Phố Nối lên 15.000-20.000 m3/ngày đêm tuỳ thuộc vào nhu cầu nước của cụm công nghiệp dệt may và nhà máy thép.

Hệ thống cấp nước sạch ở các thị trấn từ  2005-2010

  • Đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho 3 thị trấn: Yên Mỹ, Ân Thi, Văn Lâm, với công suất nước sạch 5000m3/ngày đêm.
  • Đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho 4 thị trấn: Khoái Châu, Kim Động, Văn Giang, Tiên Lữ, với công suất nước sạch 3000m3/ngày đêm.
  • Đầu tư hệ thống cấp nước sạch cho thị trấn Phù Cừ với công suất 2000m3/ngày đêm.

7. Quy hoạch tiểu thủ công nghiệp dân doanh, làng nghề

A. Định hướng phát triển

Công nghiệp dân doanh và tiểu thủ công nghiệp là động lực chính để phát triển công nghiệp nông thôn, từng bước khắc phục dần chênh lệch kinh tế giữa nông thôn với thành thị, tạo điều kiện để nông nghiệp hàng hóa phát triển. Do đó trong giai đoạn đến 2010 cần tích cực củng cố, mở rộng hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng nghề truyền thống, mở mang các ngành nghề dịch vụ ở nông thôn để giải quyết việc làm.

Khuyến khích các hộ tư nhân, cá thể chuyển thành các doanh nghiệp dân doanh và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn, làm nòng cốt tiếp cận thị trường, tiếp thu công nghệ mới, hỗ trợ làng nghề phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Xúc tiến quy hoạch làng nghề, hình thành các khu công nghiệp làng nghề, đặc biệt là đối với những làng nghề ảnh hưởng môi trường sinh thái. Năm 2004, quy hoạch xây dựng 12 khu công nghiệp làng nghề: Minh Khai, Lạc Đạo, (huyện Văn Lâm); Liêu Xá, Trung Hưng (huyện Yên Mỹ); Xuân Quan (huyện Văn Giang); Dị Sử (huyện Mỹ Hào); Ngọc Thanh (huyện Kim Động); Liên Khê (huyện Khoái Châu); Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ); Đình Cao (huyện Phù Cừ); Phù ủng (huyện Ân Thi) và An Tảo (thị xã Hưng Yên).

Củng cố hoạt động của các làng nghề truyền thống và phấn đấu có thêm 20-25 làng có nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận theo tiêu chí làng nghề do tỉnh ban hành. Phát triển đa dạng các làng nghề với những hình thức phù hợp, chịu sự quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

B. Quy hoạch phát triển

Công nghiệp chế biến nông sản-thực phẩm: Khuyến khích các thành phần kinh tế dân doanh tham gia chế biến các loại thực phẩm tiêu dùng nội địa: Khoai tây, khoai lang, miến dong, bánh đa thái, bánh đa nem, bì bóng lợn, nem chua, chế biến nhãn lồng, các loại bột gia vị, nước chấm...

Phấn đầu xây dựng và quảng bá một số thương hiệu sản phẩm đặc sản độc quyền của Hưng Yên như tương Bần, bánh đa Chợ Thi, nhãn lồng Hưng Yên, trên cơ sở ổn định công nghệ, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và mẫu mã hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Dệt may, da giầy: Khôi phục, củng cố và phát triển một số làng nghề dệt may ở thị xã Hưng Yên, Tiên Lữ, Kim Động, Phù Cừ,...

Bước đầu giúp đỡ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các hộ gia đình, các hợp tác xã,... để dệt vải, dệt khăn, kéo kén ở Tiên Lữ, thị xã Hưng Yên, Phù Cừ, Kim Động, Khoái Châu.

Khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở dệt lụa tơ tằm ở thị xã Hưng Yên và Kim Động, Tiên Lữ quy mô vừa và nhỏ; phát triển làng nghề thêu ren, dệt vải màn xô, gạc, dệt lưới đánh cá, lưới chăn nuôi,...

Cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sành sứ:  Sản xuất và sửa chữa cơ khí nông nghiệp, gia công các sản phẩm từ kim loại. Hình thành một số vệ tinh sản xuất cơ khí, điện-điện tử cho một số nhà máy lớn trên địa bàn. 

Sản xuất các loại gốm sứ  xuất khẩu, ứng dụng công nghệ lò đốt bằng khí ga để nâng cao chất lượng gốm sứ xuất khẩu...

Hàng thủ công mỹ nghệ: Là một mặt hàng cần khuyến khích phát triển, có thể sẽ là một thế mạnh của Hưng yên và nằm trong định hướng phát triển mạnh của công nghiệp nói chung. Bao gồm các sản phẩm đồ gỗ cao cấp, gỗ giả cổ, hàng thủ công mỹ nghệ từ đồ gỗ, hàng trang sức bằng vàng, bạc, đá quý.

Sở Công nghiệp