Khái quát quá trình phát triển công nghiệp Hưng Yên

Ngành công nghiệp Hưng Yên ra đời ngày 07/01/1959 bằng quyết định số 24 QĐ/HC của Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên

Hưng Yên ngày càng thu hút nhiều đầu tư vào các khu công nghiệp

Ngành công nghiệp Hưng Yên ra đời ngày 07/01/1959 bằng quyết định số 24 QĐ/HC của Ủy ban Hành chính tỉnh Hưng Yên với tên gọi ban đầu là Ty Công nghiệp - Thủ công nghiệp.

Năm 1960 giá trị tổng sản lượng toàn ngành đạt hơn 10 triệu đồng (giá cố định năm 1959) với 12.086 lao động trong các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình, sản xuất ra 29 sản phẩm chủ yếu trực tiếp phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. 

Đến năm 1965, giá trị tổng sản lượng toàn ngành đạt gần 17 triệu đồng (giá cố định năm 1959), tăng 1,7 lần năm 1960, giai đoạn 1966-1975 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7%/năm. 

Năm 1968, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng, nhiều xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, năng lực sản xuất của ngành được nâng cao, mức tăng trưởng đạt 5,6%/năm giai đoạn 1976-1985, 11,5%/năm giai đoạn 1986-1990 và 15,4%/năm giai đoạn 1991-1995.

Ngày 01/01/1997, Sở Công nghiệp Hưng Yên được tái lập cùng với sự tái lập của tỉnh. 

Sau 29 năm hợp nhất, công nghiệp Hưng Yên ở thời điểm tái lập quy mô nhỏ và lạc hậu do thời gian quá dài không được đầu tư phát triển; trên địa bàn tỉnh chỉ có 13 doanh nghiệp nhà nước, 19 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 9 doanh nghiệp tư nhân, 8 công ty TNHH, 13.706 cơ sở công nghiệp nhỏ; ngành nghề và làng nghề mai một, sản xuất tiểu thủ công nghiệp manh mún, nhỏ bé, năng suất thấp, chất lượng kém, hiệu quả kinh tế hạn chế, mỗi năm toàn ngành chỉ sản xuất được một khối lượng hàng hóa đạt giá trị trên dưới 300 tỷ đồng (năm 1996 giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành chỉ đạt 355,533 tỷ đồng).

Sản phẩm máy nông nghiệp của Công ty cơ điện nông nghiệp tỉnhThực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 và Nghị quyết 4A của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp đến năm 2000, cùng với những cơ chế, chính sách cởi mở thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từng bước mở rộng đầu tư chiều sâu công nghiệp địa phương, khuyến khích hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hưng Yên đã từng bước thích ứng với cơ chế mới, tiếp tục ổn định và phát triển. Công nghiệp trên địa bàn trong giai đoạn 1997-2000 có tốc độ tăng trưởng  cao, bình quân đạt 60,17%/năm (công nghiệp cả nước tăng bình quân 13,5/% năm). Trong đó, quốc doanh Trung ương tăng 9%/năm, công nghiệp địa phương tăng 22,12%/năm, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,71 lần so với năm 1996. 

Năm 2000, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 2.350 tỷ đồng, tăng gấp 6,6 lần năm 1996, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đạt 27,8% trong GDP (năm 1996 là 14,71%), giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn từ vị trí thứ 41 năm 1996 đã vượt lên xếp hạng thứ 19/61 tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Toàn tỉnh có trên 14.100 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 6 doanh nghiệp Trung ương, 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp công nghiệp địa phương, giải quyết việc làm cho 41.591 người, giá trị xuất khẩu bình quân thời kỳ 1997 - 2000 là 20,28 triệu USD (năm 2000 là 28,36 triệu USD chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 2,04 lần so với năm 1996). 

Việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới được coi trọng, một số làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã hoạt động trở lại và có chiều hướng phát triển như nghề thêu ren, chạm bạc, mộc mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre đan,...

Sản phẩm công nghiệp Hưng Yên đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trườngĐể tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất đầu tư vào Hưng Yên, cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi, tỉnh đã quy hoạch 3 khu công nghiệp tập trung là Khu công nghiệp Như Quỳnh (100 ha), khu công nghiệp Phố Nối (222,8 ha), khu công nghiệp thị xã Hưng Yên (60 ha) tại một số vị trí thuận lợi trên các tuyến quốc lộ 5, 39A nhằm thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Đến tháng 9/2001 đã có 66 dự án nước ngoài và tỉnh ngoài đầu tư sản xuất công nghiệp trên địa bàn với tổng vốn đầu tư đăng ký là 225,925 triệu USD, đã có 20 dự án đi vào hoạt động. Đây chính là những nhân tố hết sức quan trọng tạo lên sức bật cho công nghiệp Hưng Yên trong giai đoạn 1997-2000 và những năm tiếp theo.

Phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 1997-2000, và thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, Nghị quyết số 08 của Tỉnh ủy Hưng Yên về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001-2005, trong 3 năm qua công nghiệp Hưng Yên tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ. 

Năm 2003 giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 4.555 tỷ đồng, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2003 đạt 24,6%/năm, Hưng Yên đã đứng thứ 19/61 tỉnh thành phố về giá trị sản xuất công nghiệp và đứng thứ 12/61 về tốc độ tăng trưởng công nghiệp trong 3 năm 2001-2003. 

Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp các khu vực trong tỉnh cũng có sự chuyển dịch tích cực với sự vươn lên của khu vực công nghiệp địa phương: năm 2000 công nghiệp địa phương chiếm tỷ trọng 24,73%, năm 2003 đã tăng lên 50,55%, khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng nhưng tỷ trọng đã giảm dần từ 70,95% năm 2000 xuống còn 38,63% năm 2003. 

Trên địa bàn tỉnh đã có 45.598 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 16 doanh nghiệp nhà nước còn lại là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất thu hút hơn 10 vạn lao động, chiếm gần 20% tổng số lao động trong các ngành kinh tế quốc dân của tỉnh. 

Sản phẩm công nghiệp Hưng Yên đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm ISO 9000 góp phần khẳng định chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp năm 2003 đạt 104,546 triệu USD chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. 

Hưng Yên đã có 5 khu công nghiệp tập trung được quy hoạch với diện tích 1.200 ha, trong đó 2 khu được Chính phủ phê duyệt, đồng thời đang triển khai xây dựng 12 khu công nghiệp tiểu thủ công nghiệp - làng nghề để đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống, khuyến khích phát triển nghề mới. 

Đến hết năm 2003, tỉnh đã chấp thuận đầu tư và cấp giấy phép đầu tư cho 236 dự án (trong đó có 36 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đầu tư trên 700 triệu USD, đã có hơn 90 dự án đi vào sản xuất kinh doanh tạo việc làm thường xuyên cho 21.000 lao động. Đây là những năng lực bổ sung hết sức cần thiết để công nghiệp Hưng Yên tiếp tục có bước phát triển nhanh, vững chắc trong thời gian tới.

Tiếp theo những ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho phát triển công nghiệp, Sở Công nghiệp đã và đang trình UBND Tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề như: Quỹ Khuyến công tỉnh Hưng Yên; Trung tâm tư vấn phát triển công nghiệp. 

Đây là những sự trợ giúp rất cụ thể và thiết thực đối với lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh, tạo lên bộ mặt mới cho nông thôn Hưng Yên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sở Công nghiệp