Đất đai và địa hình

Địa hình tương đối bằng phẳng, không có núi đồi, thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông sen kẽ những ô đất trũng thường xuyên bị ngập nước. Địa hình cao chủ yếu ở phía Tây Bắc gồm các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Văn Lâm; địa hình thấp ở các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi. Địa hình tỉnh Hưng Yên có thể chia thành 5 tiểu vùng như sau:

Tiểu khu ngoài đê sông Hồng và sông Luộc hàng năm được bồi đắp thêm phù sa mới, nên phía ngoài đê thường cao hơn phía trong đê và thấp dần từ Bắc xuống Nam theo dòng chảy. Cốt đất cao từ +7m đến +9m thuộc xã Xuân Quan, xã Phụng Công (huyện Văn Giang) thấp dần tới cốt đất cao +3m đến +4m thuộc xã Thụy Lôi (huyện Tiên Lữ), xã Tống Trân, xã Nguyên Hoà (huyện Phù Cừ).

- Tiểu khu Khoái Châu, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Văn Lâm có cốt đất cao +6m đến +7m.

- Tiểu khu thành phố Hưng Yên, huyện Phù Cừ, huyện Tiên Lữ kề bên sông Hồng và sông Luộc có tầng đất phù sa dày khoảng 1m đến 1,5m, cốt đất cao +3m đến +3,5m .

- Tiểu khu Bắc Văn Lâm có cốt đất cao từ +4m đến +5m.

- Tiểu khu Ân Thi, Bắc Phù Cừ, Đông Kim Động cốt đất cao +2m.

Địa hình Hưng Yên ảnh hưởng rõ rệt đến canh tác. Trước kia thường xuyên xảy ra hạn hán và úng ngập. Vùng cao không giữ được nước, trong khi đó vùng thấp lại tiêu nước không kịp trong mùa mưa. Với từng vùng cũng có sự phân hóa cục bộ về địa hình; vùng cao lại có chỗ trũng như ở Đại Hưng (Khoái Châu) và vùng thấp lại có chỗ cao như ở Nhật Quang (Phù Cừ). 

Đặc điểm địa chất

Tỉnh Hưng Yên nằm gọn trong ô trũng thuộc đồng bằng sông Hồng được cấu tạo bằng các trầm tích bở rời thuộc kỷ Đệ Tứ, chiều dày từ 150 đến 160 m. Theo thứ tự địa tầng bao gồm các loại đất đá như sau:

- Các trầm tích Phistoxen, bề dày 130 đến 140 m với các trầm tích vụn thô gồm sạn, sỏi, cát thô, cát trung có xen kẹp các thấu kính xét bột.

- Các trầm tích Holoxen, bề dày 5 đến 30m thành phần chủ yếu là sét cát, sét bột, sét chứa hữu cơ, phân bố trên mặt địa tầng

Đặc điểm thổ nhưỡng

Đất đai trong tỉnh được hình thành do phù sa sông Hồng bồi đắp. Thành phần cơ giới của đất, từ đất thịt nhẹ đến đất thịt pha nhiễm chua. Có thể chia làm ba loại:

* Loại đất phù sa sông Hồng được bồi: Màu nâu thẫm, đất trung tính, ít chua, đây là loại đất tốt.
* Loại đất phù sa sông Hồng không được bồi lắng: Loại này có tầng phù sa dày, thành phần cơ giới từ đất thịt trung bình đến đất thịt nặng, đất trung tính, ít chua.
* Loại đất phù sa sông Hồng có tầng loang lổ, không được bồi lắng: Đất màu nâu nhạt, tầng phù sa mỏng, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, bị sét hóa mạnh, chất hữu cơ phân hủy chậm, thường bị chua.