Khoái Châu: Phát triển kinh tế trang trại, gia trại

Hiện nay, huyện Khoái Châu có 112 mô hình kinh tế trang trại, gia trại đạt tiêu chí, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Tổng diện tích đất các trang trại, gia trại đang sử dụng hơn 170 héc-ta. Năm 2023, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ bán ra đạt hơn 442 tỷ đồng, bình quân một trang trại đạt gần 4 tỷ đồng. Các trang trại, gia trại góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 400 lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
 

Trang trại trồng cam của người dân ở xã Tân Dân (Khoái Châu)

Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai, hỗ trợ chủ trang trại, gia trại tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất; hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; tham gia xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; thực hiện các dự án, đề án, mô hình phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, hỗ trợ về con giống… Đồng thời, khuyến khích người dân đầu tư phát triển, mở rộng quy mô kinh tế trang trại, gia trại gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo hướng bền vững nâng cao giá trị sản xuất. Từ những chủ trương, định hướng phù hợp, nhiều mô hình trang trại, gia trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được địa phương duy trì và nhân rộng như: Chăn nuôi an toàn sinh học, sản xuất rau màu, cây ăn quả an toàn, trồng cây trong nhà lưới có giá trị kinh tế cao... Nhiều mô hình chuyển đổi đã có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với các hợp tác xã (HTX), điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nhãn tại HTX nông sản sạch Minh Bảo ở xã Bình Kiều, HTX nhãn Miền Thiết ở xã Hàm Tử; liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối tại HTX nông sản Toàn Phát ở xã Bình Kiều; liên kết sản xuất, tiêu thụ các loại cây có múi tại HTX nông sản Phú Quý ở xã Tân Dân… góp phần quan trọng trong việc từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng bền vững. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả của huyện có trên 3.900 héc-ta, hơn 1.100 héc-ta cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, gần 40 héc-ta cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu…

Nhận thấy hiệu quả từ kinh tế trang trại, gia trại, anh Phan Giang Đông, xã Việt Hòa lựa chọn mô hình trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế gia đình, anh Đông đã chuyển đổi 3 héc-ta đất cấy lúa để phát triển nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả, kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình này giúp anh “lấy ngắn nuôi dài”, không phải vay vốn, tận dụng phụ phẩm, giảm các chi phí trong quá trình sản xuất. Cùng với tinh thần chịu khó, đầu tư đúng hướng nên mô hình trang trại tổng hợp của anh Đông mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Anh Đông cho biết: Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích đất trang trại, đầu tư thêm trang thiết bị và mở rộng nuôi các loại gia cầm mang lại giá trị cao, nhằm tạo ra sản phẩm đa dạng cho thị trường, tăng hiệu quả kinh tế. 

Chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc HTX gà Đông Tảo Bách Hồng, xã Liên Khê cho biết: Xây dựng mô hình kinh tế trang trại đã giúp các thành viên trong HTX tập trung hơn vào đối tượng sản xuất, có sự đầu tư để nâng cấp chuồng trại, cải tạo về giống, bổ sung các loại máy phát triển sản xuất hiện đại hơn. Hiện nay, HTX tập trung phát triển chăn nuôi gà Đông Tảo theo quy trình VietGAHP, bảo đảm an toàn từ con giống, thức ăn, quá trình chăm sóc đến khi xuất bán, mở rộng đối tượng khách hàng, hướng tới mở rộng quy mô trang trại. Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất bảo đảm an toàn đầu ra sản phẩm; tăng cường giới thiệu, đẩy mạnh tuyên truyền; tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ bền vững để các thành viên HTX yên tâm sản xuất, tạo ra những sản phẩm, chất lượng đến với người tiêu dùng. 

Đồng chí Phan Văn Hiếu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ về cơ chế, chính sách phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật mới; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, hội chợ, sàn thương mại điện tử; ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, hệ thống xử lý môi trường... các vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ trang trại, gia trại liên kết, hợp tác để thành lập mới các HTX, tổ hợp tác; khuyến khích xây dựng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định thị trường tiêu thụ… 

Nguồn tin: baohungyen.vn