Đảm bảo quyền sử dụng nước thiết yếu của người dân

Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận của Quốc hội tại Hội trường về dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi), sáng 26/10.

Thảo luận tại Hội trường, các ý kiến bày tỏ đồng tình với sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện và bao trùm trong các vấn đề quản lý nhà nước đối nguồn tài nguyên nước; đảm bảo tính minh bạch, tạo tiền đề cho việc khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên nước hiệu quả. 

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh nhận định, báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của UBTVQH khá rõ. Tuy nhiên, về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước tại Điều 4, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị bổ sung chính sách đảm bảo quyền công dân đối với nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của đời sống. 

Đại biểu chỉ ra, từ Điều 41 đến Điều 43 quy định rõ trách nhiệm nhưng chưa làm rõ đảm bảo quyền của công dân đối với nhu cầu sử dụng nước cũng như các tổ chức, cá nhân có quyền khai thác trong điều kiện vi phạm pháp luật. Do đó, đề nghị bổ sung quyền này của công dân và các tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của cá nhân, tổ chức pháp nhân đối với hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Vì quyền tiếp cận thông tin đối với cơ sở dữ liệu tài nguyên nước rất quan trọng để đảm bảo cá nhân pháp nhân và tổ chức thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. 

 Quốc hội làm việc tại Hội trường cho ý kiến  về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ảnh: QH

Quan tâm đến vấn đề nước sinh hoạt, đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng công trình cấp nước sinh hoạt phải có phương án bảo vệ bởi vấn đề này liên quan đến an toàn sức khỏe người dân cũng như an ninh nguồn nước, an ninh quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể của của dự thảo Luật về phạm vi, trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng cần có quy định cụ thể hơn về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo khả thi trong quá trình thực hiện, việc quản lý, sử dụng đất trong phạm vi hành lang cũng cần được cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng và quy định rõ ràng.

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, Ban soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu môi trường và xác định chất lượng nguồn nước; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng nguồn nước…

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng đề nghị bổ sung quy định về chức năng ban hành tiêu chuẩn chất lượng và chất lượng nguồn nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào dự thảo luật. Trong trường hợp tiêu chuẩn chất lượng của nước liên quan đến hoạt động thuộc quyền quản lý của cơ quan khác, cần quy định sự phối hợp giữa các cơ quan, cũng như chỉ ra cơ quan chủ quản quản lý để tránh chồng chéo về mặt thẩm quyền.

Ngoài ra, cần cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của cá nhân tổ chức được cấp giấy phép về tài nguyên nước do chưa có quy định về vấn đề này cũng như bổ sung phạm vi hoạt động của từng loại giấy phép.

Ở khía canh khác, đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm, cần phải huy động sức mạnh toàn dân vào công cuộc bảo vệ tài nguyên nước. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước. Theo đại biểu, dự thảo Luật mới quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước mà chưa có quy định về khuyến khích người dân tham gia bảo vệ tài nguyên nước.../.

Nguồn tin: dangcongsan.vn