Kế hoạch thực hiện Chương trình ứng dụng “Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp” trên cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2030

Ngày 03/8/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch 126/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình ứng dụng “Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) ” trên cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2030.

 Theo đó, mục tiêu chung của Kế hoạch là thực hiện chương trình IPHM nhằm chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, giảm hoá chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất nông nghiệp và cho cộng đồng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Trên 80% số xã sản xuất trồng trọt có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt có hiểu biết, có kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng; Có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; Phấn đấu trên 80% diện tích cây trồng chủ lực và có lợi thế của tỉnh ứng dụng IPHM; qua đó giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 20% lượng phân bón hoá học; 100% số xã thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định.

 Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra gồm:

- Truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM: Tuyên truyền cộng đồng về IPHM và nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho các cấp, các ngành và người lao động sản xuất nông nghiệp về IPHM.

+ Tuyên truyền, phổ biến trong các buổi sinh hoạt cộng đồng (Câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác; hội thảo đầu bờ, các buổi toạ đàm, tập huấn…) để người sản xuất trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp,…nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường.

+ Lồng ghép, tuyên truyền, phổ biến chương trình ứng dụng IPHM trong thực hiện các gói giải pháp kỹ thuật SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến), 3 giảm 3 tăng (3 giảm: Giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; 3 tăng: Tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả), 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống lúa xác nhận hoặc nguyên chủng và thực hiện 5 giảm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và giảm thất thoát sau thu hoạch), giảm giá thành sản xuất, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ.

+ Xây dựng tài liệu tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã về quản lý vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, giống, phân bón) và hướng dẫn tổ chức việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo quy định.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM: Xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện Chương trình IPHM và quy trình ứng dụng IPHM trên các cây trồng chủ lực.

+ Hướng dẫn xây dựng và thực hiện mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái, cảnh quan nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu; mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên diện rộng cho mỗi loại cây trồng.

+ Hướng dẫn phương pháp thực nghiệm IPHM trên đồng ruộng do nông dân thực hiện, phương pháp tổ chức hội nghị đầu bờ và tuyên truyền, phổ biến IPHM theo chuyên đề cụ thể.

+ Hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi nội đồng để đáp ứng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước cho lúa (SRI, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, ướt khô xen kẽ/nông lộ phơi), hướng dẫn tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

- Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM: Cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo giảng viên Quốc gia về phát triển lực lượng giảng viên IPHM cấp tỉnh; hướng dẫn viên cộng đồng và lực lượng nông dân nòng cốt cho cấp xã;

+ Hướng dẫn viên cộng đồng giúp cho chính quyền, các tổ chức đoàn thể tổ chức triển khai các hoạt động ứng dụng IPHM ở các xã.

+ Nông dân là nòng cốt (các nhân tố tích cực của các đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp) được đào tạo, tập huấn để có thể trực tiếp thử nghiệm ứng dụng các kỹ thuật IPHM và hướng dẫn người sản xuất cùng ứng dụng.

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM trong sản xuất: Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật SRI trong canh tác lúa nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

+ Triển khai đồng bộ các hoạt động ứng dụng IPHM từ tỉnh đến huyện, xã, huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp, hợp tác xã.

+ Nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân”thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng.

+ Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết quả và kinh nghiệm ứng dụng IPHM tới cộng đồng thông qua việc tổ chức hội nghị đầu bờ, các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, diễn đàn nông dân.

- Nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ: Ứng dụng, đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để chủ động phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ sản xuất.

+ Ứng dụng chuyển giao công nghệ nhân giống sạch bệnh, sản xuất hạt giống khoẻ phục vụ sản xuất.

+ Ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tác nhân sinh học phòng chống sinh vật gây hại, phân bón vi sinh.

+ Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo sớm, phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng.

+ Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ sức khoẻ đất, nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính.

- Rà soát, đề xuất chính sách thúc đẩy ứng dụng IPHM: Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách, các nội dung nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy ứng dụng IPHM phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

+ Khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nông dân huấn luyện nông dân; nông dân nòng cốt thực hiện các thực nghiệm/nghiên cứu đồng ruộng, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và phổ biến, hướng dẫn nông dân khác áp dụng.

+ Hỗ trợ nhân rộng các mô hình cộng đồng ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nội dung Kế hoạch 126/KH-UBND.

Ngọc Hưng