Bế mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, chiều ngày 15/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 20 - phiên họp đầu tiên của năm mới Quý Mão. Đây cũng là phiên họp đầu tiên thực hiện theo Quy chế hoạt động mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp thứ 20 của UBTVQH. (Ảnh: QH

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phiên họp đã bám sát hoàn thành nội dung theo kế hoạch đề ra. Phiên họp đã bám sát nội dung chương trình và kết thúc đúng với lịch trình, trong đó có những nội dung vượt ngoài mong đợi, tạo tiền đề tích cực cho các công việc tiếp theo.

Cụ thể, đối với 3 dự án Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần này về cơ bản đủ điều kiện để trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Về các dự thảo nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua được hai nghị quyết gồm Nghị quyết về hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp và Nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký.

Đồng thời cho ý kiến bước đầu về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung liên quan đến nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng là nội dung khó, chưa từng có tiền lệ. Do đó, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu sẽ là cơ sở để các cơ quan chủ động tiếp tục triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, về địa giới hành chính, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét quyết định thành lập thêm được 1 thành phố, 2 thị xã, 34 phường, 11 thị trấn và điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn của 10 tỉnh (gồm các tỉnh An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là bước quan trọng để hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời thực hiện Nghị quyết Trung ương về vấn đề phát triển đô thị. Thông qua đợt xem xét quyết định này, tỷ lệ đô thị hóa là các địa phương được tăng lên khá cao.

Ngoài ra, cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của tháng 12/2022 và tháng 1/2023; cho ý kiến đánh giá về kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ 2 và Kỳ họp bất thường lần thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

Trên cơ sở các kết luận nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, đặc biệt là hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết để trình ký ban hành sớm./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn