Tiên Lữ: Phòng trừ sâu bệnh gây hại, bảo vệ lúa mùa

Vụ mùa năm nay, nông dân huyện Tiên Lữ gieo cấy được hơn 3 nghìn ha lúa. Thời điểm này, lúa mùa đang trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông, đây là giai đoạn cây lúa mẫn cảm với sinh vật gây hại và là thời điểm quyết định đến năng suất. Để bảo đảm đạt năng suất, sản lượng lúa đã đề ra, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa mùa.

Nông dân huyện Tiên Lữ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên lúa mùa
 

Hiện nay, trên các trà lúa mùa của huyện, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 diễn biến phức tạp, bướm trưởng thành đã vũ hóa rộ và đẻ trứng, mật độ phổ biến từ 20 đến 30 quả/m2, nơi cao từ 50 đến 80 quả/m2, cục bộ trên 100 quả/m2; toàn huyện có 365ha nhiễm sâu cuốn lá nhỏ. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 6 bắt đầu nở rộ trên các trà lúa, mật độ phổ biến trung bình từ 400 đến 600 con/m2, cục bộ có ruộng trên 1000 con/m2; mật độ trứng rầy nơi cao có từ 200 đến 300 ổ/m2. Ngoài ra, bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh, phát triển, đặc biệt ở những ruộng cấy dày, bón nặng đạm. 
Anh Vũ Minh Chiến ở xã Đức Thắng (Tiên Lữ) cho biết: Vụ này, gia đình tôi gieo cấy 3 sào lúa VN20. Khi phát hiện sâu bệnh xuất hiện trên cây lúa, tôi đã chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa như: Làm cỏ, phát quang bờ ruộng nhằm hạn chế sâu bệnh trú ngụ… Cùng với đó, sau khi được thông báo và hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật, tôi đã chủ động phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Dự báo trong thời gian tới, các trà lúa mùa trên địa bàn huyện tiếp tục xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh và mức độ gây hại cao hơn vụ mùa trước như: Sâu non nở rộ mật độ cao, nếu không phòng trừ tốt sẽ gây xơ trắng lá đòng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. Bên cạnh đó, thời tiết tiếp tục có mưa dông là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 9, dẫn đến lây lan, gây hại mạnh, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa nếu không được phòng trừ kịp thời. Nhất là ở những diện tích ruộng xanh tốt, bón nhiều phân đạm, gần nguồn chất thải chăn nuôi, ruộng hay bị nước ngập sau những trận mưa dông. Ngoài ra, rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 7 tiếp tục phát sinh gây hại từ giữa tháng 9 đến cuối vụ.
Trong giai đoạn hiện nay đến cuối tháng 9, các đối tượng sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh khô vằn, bạc lá tiếp tục gây hại gia tăng, nông dân cần chủ động phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ ở nơi xuất hiện mật độ cao bằng các thuốc đặc hiệu như: Prevathon 5SC, Vitako 40WG, Silsau 4.0EC, Dylan 5WG, Oman 2EC (những diện tích phun xong nếu gặp mưa thì nhất thiết phải phun lại, sau khi phun thuốc từ 5 đến 7 ngày cần kiểm tra lại, nếu mật độ sâu còn cao phải phun kép lần 2). Rầy nâu, rầy lưng trắng ở giai đoạn này nếu mật độ rầy cám cao cần sử dụng các loại thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Chatot 600WG; nếu rầy tuổi lớn (tuổi 3 trở lên) hoặc thời kỳ lúa đã đỏ đuôi cần phòng trừ bằng các thuốc tiếp xúc như Bassa 50EC, Jetan 50EC, Nibas 50EC, Hopsan 75EC. Bệnh khô vằn cần phòng trừ sớm bằng các thuốc như Tilt super 300EC, Scooter 300EC, Anvil 5SC, Athuoctop 480SC.
Những ngày qua, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ tăng cường chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo diễn biến của sâu bệnh, đồng thời khuyến cáo nông dân tích cực thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của đơn vị chuyên môn. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức kiểm tra các cửa hàng, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, đặc biệt là mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… trên địa bàn để tránh gây thiệt hại cho nông dân. 
Hiện nay, đang là thời điểm quan trọng nhất, quyết định đến năng suất lúa vụ mùa. Để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, các đơn vị chuyên môn, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân biện pháp kỹ thuật chăm bón và bảo vệ lúa. Cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát đồng ruộng kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn nông dân phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” để phòng trừ sâu bệnh trên lúa đạt hiệu quả.

 

Nguồn tin: baohungyen.vn