Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên thệ nhậm chức

Sáng 10/5, lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã diễn ra trang trọng tại quảng trường trước trụ sở Quốc hội nằm ở phía Tây thủ đô Seoul. Thông điệp mạnh mẽ được tân Tổng thống đưa ra là đưa Hàn Quốc trở thành một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế và là một quốc gia thực sự thuộc về nhân dân.

Lễ nhậm chức Tổng thống của ông Yoon Suk-yeol diễn ra trang trọng tại quảng trường trước trụ sở Quốc hội nằm ở phía Tây thủ đô Seoul, sáng 10/5/2022. (Ảnh: Yonhap)

Buổi lễ nhậm chức có sự tham dự của trên 41.000 quan khách, quan chức ngoại giao, phái đoàn các nước, đại diện các tổ chức quốc tế, hiệp hội nghề nghiệp, các tập đoàn trong nước và đại diện cho các tầng lớp ở Hàn Quốc. Phái đoàn Mỹ do phu quân Phó Tổng thống - ông  Douglas Emhoff dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn dẫn đầu tham dự sự kiện.  

Ngồi ở hàng ghế đầu, ngoài vợ chồng Tổng thống Yoon Suk-yeol còn có vợ chồng cựu Tổng thống Moon Jae-in, các cựu Tổng thống cùng gia đình, 5 thành viên đứng đầu Nhà nước (Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Chánh án Tòa án tối cao, Chánh án Tòa án Hiến pháp, Chủ tịch Ủy ban quản lý bầu cử trung ương) và Chủ tịch các đảng.

Phát biểu trong buổi lễ trang trọng diễn ra tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Seoul, Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc, ông Yoon Suk-yeol nói: “Tôi đứng trước các bạn ngày hôm nay, nhún nhường trước sự tin tưởng và trách nhiệm mà các bạn đã trao cho tôi và tâm niệm rằng nhiệm vụ cao cả của tôi là xây dựng lại đất nước vĩ đại này”.

"Lời kêu gọi của thế hệ chúng ta là xây dựng một quốc gia ủng hộ dân chủ tự do và đảm bảo một nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, một quốc gia hoàn thành trách nhiệm với tư cách là một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế và một quốc gia thực sự thuộc về nhân dân" – tân Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố. Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng lưu ý rằng ông tâm niệm về nhiệm vụ trọng đại nhằm xây dựng lại đất nước vĩ đại Hàn Quốc. Ông cũng đồng thời mong muốn được hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết những thách thức chung và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền tự do chính trị và kinh tế.

Tân Tổng thống Hàn Quốc cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của giá trị của tự do và hòa bình bền vững, đồng thời đề cao vai trò của việc tiến hành đối thoại với Triều Tiên để giải quyết một cách hòa bình “các mối đe dọa” do nước này gây ra. Tân Tổng thống Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất vực dậy nền kinh tế Triều Tiên bằng "kế hoạch táo bạo" và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân miền Bắc nếu nước này thực hiện các bước trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

"Mặc dù các chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa không chỉ đối với an ninh của chúng ta và của Đông Bắc Á, nhưng cánh cửa đối thoại sẽ vẫn rộng mở để chúng ta có thể giải quyết mối đe dọa này một cách hòa bình" - ông Yoon Suk-yeol nói, đồng thời lưu ý thêm rằng việc phi hạt nhân hóa sẽ góp phần vào hòa bình bền vững và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và xa hơn thế nữa.

Sau lễ nhậm chức diễn ra vào buổi sáng, chiều 10/5, ông Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ tham dự một sự kiện kỷ niệm tại Quốc hội. Ông sẽ kết thúc ngày làm Tổng thống đầu tiên của mình bằng một bữa tiệc tối tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài tại khách sạn Silla Seoul.

Trong khi đó, Tổng thống mãn nhiệm Moon Jae-in sẽ thực hiện những nghi thức cuối cùng khi tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm Yoon Suk-yeol trong sáng 10/5 và sau đó sẽ lên tàu cao tốc từ ga Seoul vào buổi trưa cùng ngày để về nhà riêng ở thành phố Yangsan, tỉnh Nam Gyeongsang. Khi rời Nhà Xanh vào chiều tối 9/5 cùng Đệ nhất Phu nhân Kim Jung-sook, ông Moon Jae-in đã cảm ơn người dân, nói rằng ông "cảm thấy nhẹ nhõm vì đang trút bỏ được gánh nặng để trở thành một cựu tổng thống thành công".

Những thách thức đang chờ đón Tổng thống thứ 20 của Hàn Quốc

Ông Yoon Suk-yeol tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước vào thời điểm Hàn Quốc đang phải vật lộn để đối phó với những thách thức kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19. (Ảnh: Reuters) 

Về kinh tế: Ông Yoon Suk-yeol tiếp quản quyền lãnh đạo đất nước vào thời điểm Hàn Quốc đang phải vật lộn để đối phó với những thách thức kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, chiến sự ở Ukraine cùng một số vấn đề khác dẫn đến hiện tượng “ba mức cao đồng thời” gồm lạm phát, lãi suất và tỷ giá hối đoái.

Trên thực tế, chính phủ sắp được thành lập tại Hàn Quốc đã tỏ quan điểm sẽ theo đuổi bảo vệ an ninh kinh tế, trong bối cảnh quan hệ cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng đối với các hàng hóa gồm pin, chất bán dẫn cùng các lĩnh vực chủ chốt khác.

Về chính sách đối ngoại: Một phép thử đặt ra đối với chính quyền của tân Tổng thống Yoon Suk-yeol là chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó đoán định sau một loạt các vụ thử vũ khí gần đây của Triều Tiên. Cách đây ít lâu, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thậm chí còn cảnh báo sẽ kích hoạt vũ khí hạt nhân thay vì chỉ sở hữu chúng. Tuy nhiên, kịch bản này, theo ông Kim Jong-un, sẽ chỉ được thực hiện như một biện pháp “răn đe chiến tranh” nếu như “ai đó” rắp tâm vi phạm những lợi ích cơ bản của Triều Tiên.

Các nhà phân tích dự báo, các chủ đề về an ninh kinh tế và Triều Tiên sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa tân Tổng thống Hàn Quốc và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, dự kiến diễn ra tại thủ đô Seoul vào ngày 21/5 tới. Theo kế hoạch, ông J.Biden sẽ sang thăm Hàn Quốc trong các ngày từ 20-22/5 tới, tức là chỉ 10 ngày sau lễ nhận chức của ông Yoon Suk-yeol. Hội nghị thượng dự kiến diễn ra ngày 21/5 tới sẽ đánh dấu cuộc gặp gỡ sớm nhất giữa lãnh đạo hàng đầu của hai đồng minh, diễn ra ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Hàn Quốc.

Một thách thức khác chờ đón ông Yoon Suk –yeol trong nhiệm kỳ Tổng thống 5 năm tới là hài hòa mối quan hệ “nhiều khúc mắc trong quá khứ song cũng không ít lợi ích trong tương lai” với Nhật Bản. Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon Suk –yeol đã thể hiện mong muốn một mối quan hệ hướng tới tương lai với Nhật bất chấp những tranh chấp chưa được giải quyết của hai nước về vấn đề phụ nữ mua vui trong thời chiến, lao động cưỡng bức và vấn đề lãnh thổ bắt nguồn từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1954).

Tháng trước, ông Yoon Suk –yeol đã cử một phái đoàn tham vấn chính sách tới Nhật Bản cùng với một lá thư gửi tới Thủ tướng Fumio Kishida. Ngay trong giai đoạn tranh cử, ông Yoon Suk-yeol đã kêu gọi giải quyết toàn diện các vấn đề nổi cộm trong quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản, thể hiện quyết tâm cải thiện quan hệ song phương. Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hồi tháng 3 vừa qua, ông Yoon Suk-yeol đã kêu gọi giải quyết các vấn đề còn tồn đọng giữa hai nước “theo một cách hợp lý và có lợi cho đôi bên”. Ông Yoon Suk-yeol nêu rõ Hàn Quốc và Nhật Bản có “nhiều nhiệm vụ trong tương lai” để hợp tác chặt chẽ với nhau, trong đó có vấn đề an ninh tại khu vực Đông Bắc Á. 

Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết, Tokyo đang xem xét nghiêm túc việc tổ chức đối thoại cấp cao với Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol. Theo Kyodo News, Nhật Bản và Hàn Quốc đã không tổ chức đối thoại cấp cao trong một khoảng thời gian do chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in bất đồng với Tokyo về các vấn đề lịch sử từ thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945).

Trong quan hệ với Trung Quốc, nhiệm vụ đặt ra với tân Tổng thống Hàn Quốc là cần hành động “cân bằng thận trọng” trong quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington. Trên thực tế, Hàn Quốc luôn coi sự hợp tác của Bắc Kinh là chìa khóa kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và duy trì mối quan hệ thương mại song phương bền chặt. Mặt khác, Hàn Quốc cũng đã cam kết triển khai thêm các đơn vị của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ nước này, trong khi đây lại chính là điều vốn từ lâu đã trở thành tác nhân khiến Trung Quốc "phật ý". Chưa kể tới việc Hàn Quốc đang dần khẳng định vai trò tham gia trong Đối thoại an ninh tứ giác (còn được biết đến với tên gọi Bộ tứ Quad hay Bộ tứ Kim cương) – một diễn đàn do Mỹ dẫn đầu nhằm tạo đối trọng trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.

Trong lĩnh vực đối nội: Ông Yoon Suk-yeol dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức gây chia rẽ ở Quốc hội do đảng Dân chủ đối lập chính (DP)  nắm quyền kiểm soát.

Với 168 trong số 300 ghế, DP đã trì hoãn quá trình xác nhận của Quốc hội đối với các ứng cử viên Nội các do ông Yoon Suk-yeol đề xuất, buộc chính phủ mới phải tổ chức cuộc họp nội các đầu tiên trong tuần này với sự tham gia của một số thành viên thuộc chính quyền sắp mãn nhiệm.

Trong bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra các cuộc bầu cử địa phương tại Hàn Quốc vào ngày 1/6 tới, chính quyền tân Tổng thống Hàn Quốc đang phải nỗ lực nhằm tránh kịch bản đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon Suk-yeol bị mất ưu thế hay khả năng phải tổ chức sớm các cuộc bầu cử phụ tại Quốc hội.

Ngày 8/5, đối thủ bầu cử của ông Yoon Suk-yeol là ông Lee Jae-myung của đảng DP đã tuyên bố trở lại chính trường sớm hơn dự kiến bằng cách tuyên bố tranh cử một trong những ghế quốc hội để giành thúc đẩy việc sớm tổ chức các cuộc bầu cử phụ.

Trong bối cảnh trên, xếp hạng chỉ số tín nhiệm của ông Yoon Suk-yeol chỉ vào khoảng 50%, và đây là một trong những mức tín nhiệm thấp nhất đối với một Tổng thống đắc cử. Những yếu tố này đã dự báo trước về nhiệm vụ của ông Yoon Suk-yeol trong việc hàn gắn những chia rẽ chính trị sâu sắc trong xã hội Hàn Quốc./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn