Chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai

Ngày 25.4, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh.
 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
 

Năm 2021, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp với những yếu tố cực đoan, bất thường và khó dự báo đã gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và đời sống dân sinh. Tại Việt Nam, đã xảy ra 18/22 loại hình  thiên tai. Trong đó, có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, đặc biệt là ở khu vực ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai đã làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra là trên 5,2 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song công tác phòng, chống thiên tai được các cấp, ngành và người dân thực hiện chủ động, kịp thời và hiệu quả. Bộ máy tổ chức phòng, chống thiên tai được khẩn trương kiện toàn từ Trung ương đến địa phương; công tác phòng ngừa thiên tai được triển khai đồng bộ, tăng thời hạn dự báo thiên tai sớm; công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai được chú trọng và đổi mới theo hướng chặt chẽ, quyết liệt, giảm thiểu thiệt hại về người và của; công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả; công tác tìm kiếm cứu nạn được thực hiện đồng bộ, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2022, dự báo có khả năng xuất hiện từ 12 đến 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông; trong đó, có từ 4 đến 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước, có khả năng xảy ra hiện tượng mưa cực đoan.

Để chủ động ứng phó với mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu: Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN cụ thể, chi tiết, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương; thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn. Đổi mới, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai theo hướng đồng bộ, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, rà soát phương tiện, phương án phòng, chống thiên tai; củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai ở cơ sở, chú trọng xây dựng lực lượng phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp, sẵn sàng ứng phó với các tình huống cực đoan…

Nguồn tin: baohungyen.vn