Phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi về xã Đồng Tiến (Khoái Châu) là sự đổi thay từ những tuyến đường giao thông liên thôn được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được xây dựng, nâng cấp khang trang; nhà cao tầng mọc lên san sát trong các khu dân cư; các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ dọc hai bên đường vào trung tâm xã bán đủ các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của người dân. 
 

Một cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại nước giặt quần áo, nước rửa chén bát... ở  xã Đồng Tiến
 

Đến thăm cơ sở thu mua phế liệu do anh Nguyễn Danh Phong ở thôn Thổ Khối làm chủ, anh Phong cho biết: Từ cơ sở thu mua phế liệu nhỏ ban đầu, sau hơn 10 năm phát triển, đến nay, tôi đã xây dựng nhà xưởng thu mua phế liệu rộng trên 500m2, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Từ nghề thu mua phế liệu, mỗi năm mang lại cho gia đình thu nhập 300 – 400 triệu đồng. Anh Tạ Đăng Cường, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại nước giặt quần áo, nước rửa chén bát... ở thôn An Lạc cho biết: Xã Đồng Tiến hiện nay có hệ thống giao thông kết nối và mở rộng, việc giao thương của người dân rất thuận lợi. Năm 2016, tôi xây dựng xưởng sản xuất gia công các loại nước giặt quần áo, nước rửa chén bát, lau sàn nhà... Hiện nay, tôi có khoảng 5.000mnhà xưởng sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động với thu nhập 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của cơ sở sản xuất ra được tiêu thụ thuận lợi, mỗi tháng mang lại doanh thu hàng tỷ đồng. 

Xã Đồng Tiến có 3 thôn với gần 2.000 hộ gia đình, trên 5.800 nhân khẩu. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi xã thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với TMDV, người dân nơi đây đã phát triển mạnh nghề thu mua, tái chế phế liệu. Để thu hút được người dân, doanh nghiệp phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, TMDV, chính quyền xã đã thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đất đai, môi trường, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tín chấp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh... 

Phát huy lợi thế có quốc lộ 39 chạy qua và sự năng động, nhạy bén của người dân trong kinh doanh dịch vụ, hiện nay, toàn xã có trên 60% số hộ tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp, TMDV với các ngành nghề như: Xây dựng, mộc, cơ khí, thu mua phế liệu, đúc đồng, đúc nhôm, dịch vụ vận tải, cửa hàng tạp hóa... Riêng nghề thu mua phế liệu phát triển mạnh nhất với 700 – 800 hộ làm nghề, trong đó có khoảng 250 hộ xây dựng nhà xưởng thu mua phế liệu tại địa phương, số còn lại là các hộ thu mua phế liệu ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Doanh thu của nhiều cơ sở thu mua phế liệu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Nếu như trước đây, trên địa bàn xã còn tồn tại một số kho, bãi phế liệu nằm ngổn ngang, nhếch nhác ngay giữa khu dân cư, ven đường giao thông làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan thì những năm gần đây, các hộ làm nghề thu mua phế liệu trong xã đã đầu tư xây dựng nhà xưởng tập kết phế liệu, có biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực kinh doanh. Cùng với đó, các cơ sở thu mua phế liệu trang bị các phương tiện phòng, chống cháy nổ để bảo đảm an toàn. Để quản lý tốt việc thu mua phế liệu của các hộ gia đình trên địa bàn, UBND xã thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ đối với các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu.

Với sự phát triển của các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, TMDV, kinh tế xã Đồng Tiến chuyển biến mạnh mẽ. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã luôn đạt trên 11%/năm. Năm 2021, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, TMDV chiếm 91,5% cơ cấu kinh tế của xã; doanh thu từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, TMDV trên địa bàn ước đạt trên 400 tỷ đồng, tăng 44 tỷ đồng so với năm 2020; thu nhập bình quân của người dân trong xã ước đạt trên 75 triệu đồng/năm. 

Đồng chí Hoàng Tiến Thành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã xác định sản xuất tiểu thủ công nghiệp và TMDV là bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế, là kênh tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chính vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển đa ngành, đa nghề, thu hút nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự...

Nguồn: baohungyen.vn