Bảo vệ lúa xuân trước diễn biến sâu bệnh gây hại

Vụ xuân năm nay, nông dân các địa phương trong tỉnh gieo cấy hơn 28,2 nghìn ha lúa, trong đó diện tích lúa gieo thẳng hơn 8 nghìn ha, lúa cấy hơn 20,1 nghìn ha. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa xuân đã cơ bản kết thúc giai đoạn đẻ nhánh. Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, trời nhiều mây, âm u, có mưa phùn, nhiệt độ dao động từ 20 - 280C, thuận lợi cho lúa xuân phát triển; tuy nhiên cũng là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại lúa xuân.

Những ngày qua, cán bộ bảo vệ thực vật (BVTV) của các địa phương đã tăng cường công tác điều tra đồng ruộng, kiểm tra diễn biến của sâu bệnh gây hại lúa để có biện pháp kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ đạt hiệu quả. Hiện nay, trên lúa xuân bệnh đạo ôn lá xuất hiện và gây hại trên một số giống lúa nhiễm như nhóm lúa nếp, Q5... tỷ lệ hại phổ biến 0,5-1% số lá, nơi cao 3-5% số lá. Diện tích nhiễm 260,7 ha; trong đó nhiễm nặng 20,8ha, nông dân đã chủ động phòng trừ được 650 ha. Bệnh khô vằn xuất hiện và gây hại nhẹ, cục bộ ở một số ruộng lúa cấy dầy, bón thừa đạm; tỷ lệ bệnh nơi cao 1 -3% số dảnh. Sâu cuốn lá nhỏ, đa số ở tuổi 5 và đang vào nhộng và có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái; mật độ cục bộ 0,3-0,5 con/m2. Ngoài ra, chuột hại nhẹ trên lúa ở khu vực ven gò, làng, khu công nghiệp; tỉ lệ hại nơi cao 1-2% số dảnh. Diện tích nhiễm 29,2ha, trong đó nhiễm nặng 2,1ha. Các địa phương đã triển khai tổ chức diệt chuột đạt kết quả tốt, qua 2 đợt, các địa phương đã diệt được hơn 5 triệu con chuột.

Qua tổng hợp vụ xuân năm nay, huyện Tiên Lữ gieo cấy được hơn 3,5 nghìn ha lúa, hầu hết các địa phương trong huyện đã thực hiện tốt cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo cấy. Cùng với việc hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, diệt chuột, ốc bươu vàng, chủ động điều tiết nước tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển, cán bộ Trạm BVTV, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã chủ động xuống đồng ruộng để điều tra diễn biến của sâu bệnh gây hại lúa xuân. Trước diễn biến bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ có xu hướng gia tăng mức độ gây hại, ngành chuyên môn của huyện chủ động thông báo nhanh tình hình sâu bệnh trên hệ thống truyền thanh, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao bằng các loại thuốc đặc hiệu, đúng quy cách; đồng thời khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sâu bệnh.

Theo dự báo của Chi cục BVTV, thời gian tới, bệnh đạo ôn sẽ phát sinh, phát triển trên các giống lúa nhiễm, diện tích lúa gieo cấy sớm, nhất là trong điều kiện thời tiết âm u xen kẽ mưa, độ ẩm cao. Nếu không thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, bệnh đạo ôn sẽ gây hại gia tăng và gây cháy lụi nhiều diện tích lúa ở các địa phương từ nay đến cuối tháng 4. Bệnh khô vằn tiếp tục xuất hiện và gây hại gia tăng trên diện tích lúa cấy dày, bón thừa đạm, ruộng xanh tốt. Rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh chủ yếu trên diện tích lúa gieo cấy sớm, trên các giống lúa nhiễm. Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành (bướm) lứa 2 sẽ vũ hóa kéo dài, có sự khác biệt giữa các vùng sinh thái, vũ hóa rộ nhất từ ngày 8 – 14.4; sâu non sẽ nở rộ từ ngày 15 – 22.4 và sẽ gây hại trên các trà lúa, đặc biệt ở những ruộng xanh tốt, ruộng bướm dồn. Chuột tiếp tục gây hại cục bộ chủ yếu ở những khu vực ven gò đống, gần làng, nơi diệt chuột hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, bọ trĩ, dòi đục nõn gây hại nhẹ, rải rác.

Để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh gây hại lúa xuân, Chi cục BVTV đề nghị các địa phương và nông dân thực hiện tốt Công văn số 112/SNN-Tr-Tr ngày 13.2.2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung chỉ đạo sản xuất vụ xuân 2021. Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh trên các cây trồng; điều tra, nắm bắt diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá; thu mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa để giám định virus gây bệnh lùn sọc đen. Theo dõi chặt chẽ sự phát sinh và phát triển của bệnh đạo ôn, đặc biệt ở trên các giống lúa nhiễm và diện lúa gieo cấy sớm để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện bằng thuốc đặc hiệu như: Bankan 600WP, Kennedy 75WP, Dojione 40EC, Filia 525SE, Lúa vàng 20WP... Bệnh khô vằn phát triển cần phòng trừ bằng các thuốc như Tilt super 300EC, Sagograin 300EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC. Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ sâu cuốn lá nhỏ để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời những nơi có mật độ sâu cao bằng các thuốc đặc hiệu khi sâu đa số tuổi 1,2 (không phun tràn lan). Theo dõi chặt chẽ, thường xuyên sự xuất hiện của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen để kịp thời lấy mẫu giám định và có biện pháp tham mưu, chỉ đạo phòng trừ kịp thời.

Nguồn: baohungyen.vn