BÙI NGỌC QUỸ (1796 – 1861)

Bùi Ngọc Quỹ tự Hữu Trúc, sau đổi là Bùi Quỹ người xã Hải Thiên, huyện Tiên Lữ (nay thuộc xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ). Ông đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý niên hiệu Minh Mệnh thứ 9 (1828), năm sau đỗ Tiến sĩ. Sau khi đỗ được bổ chức Hàn lâm viện biên tu rồi điều đi làm Tri phủ Thiệu Phong, thăng Án sát Quảng Trị rồi lại được điều về kinh làm Biện lý bộ Công, thăng Hữu thị lang, Tham tri bộ Hình dưới thời Thiệu Trị. Năm Tự Đức thứ nhất (1848), Bùi Ngọc Quỹ được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh “Cầu phong” cho vua Tự Đức. Khi về, sung Sử quán biên tu, thăng Hồng lô tự khanh, Hàn lâm Viện trực học sĩ, Án sát Tuyên Quang rồi Tổng đốc Bình Phú (Bình Định – Phú Yên ngày nay).

Bùi Ngọc Quỹ nổi tiếng về văn chương, có nhiều sáng tác. Ông đi nhiều nơi trong nước, đến đâu cũng ngâm vịnh xướng họa, phần lớn là thơ ca, được tập hợp trong các cuốn: Hữu Trúc thi tập, Yên Đài anh thoại và Hải Phái thi văn tập. Trong thời gian đi sứ, ông có Sứ trình anh thoại khúc, Yên hành khúcYên hành tổng tác. Tính ông cương trực thẳng thắng, thường kết giao thân thiết với Trương Quốc Dụng, Trần Huy Phúc, Hồ Vĩnh Trinh là những danh sĩ nổi tiếng đương thời. Ông chính là người đề xuất với vua Tự Đức về việc biên soạn hai bộ sách Đại nam nhất thống chíĐại Nam phong nhã thống biên (?). Kiến nghị này đưa lên năm 1849, năm 1865 được bắt đầu và đến năm 1882 thì xong. Sau đó, các triều đại sau đã bổ sung tiếp.

Bùi Ngọc Quỹ cũng từng cộng tác với Nguyễn Văn Siêu soạn quyển Đại Việt địa dư toàn biên. Ông Nguyễn Văn Siêu làm phần tiền biên, ông làm phần chính biên nhưng chưa xong thì mất.

Bùi Ngọc Quỹ còn nổi tiếng là người thanh liêm, cương trực, luôn bênh vực kẻ nghèo khó, trấn áp bọn quan lại xu nịnh, nhũng nhiễu hà hiếp dân lành nên được dân tin yêu nhờ cậy. Trong dân gian còn lưu truyền nhiều giai thoại về ông, điển hình là vụ xử con chó của người thuyền chài cắn chết con bạch hạc của vua Tự Đức.

Chuyện kể rằng: “Vua Tự Đức có con bạch hạc, vì yêu quý con vật nên đi đâu cũng mang theo, lại còn đặt cho cái tên đẹp, phong tước khắc vào thẻ ngà đeo cho nó.

Một chiều dạo trên sông, thuyền của vua ghé nghỉ bên bờ, con bạch hạc nhẩn nha bên mép nước. Cách đó không xa có chiếc thuyền của gia đình thuyền chài neo đậu. Con chó của gia đình ngư dân thấy con bạch hạc, chạy đến cắn chết. Vua Tự Đức xót con vật bắt tội vợ chồng người thuyền chài, đám quan quân theo hầu sợ tái mặt không dám nói gì, nhưng Bùi Ngọc Quỹ đã đứng ra can vua, xin xét xử vụ này, nhà vua ưng thuận. Hôm sau, trước sự chứng kiến của mọi người, Bùi Ngọc Quỹ đã đọc bài văn sử tội nhưng sau:

Hạc phong nha bài

Khuyển bất chi tự

Hạc bất năng ngôn

Khuyển bất thức tự

Khuyển phệ hạc tử

Tội quy vô chủ.

Thản thử:

Hạc phệ khuyển tử

Tội quy vô thùy

Cầm thú tương thương

Hà quan nhân sự

Dịch nghĩa:

Hạc đeo thẻ bài của vua (cao quí)

Chó không có chữ, tên gì (bình thường)

Hạc không nói được

Chó không biết chữ

Chó cắn hạc chết

Tội lại quy vào chủ!

Nhưng giả dụ:

Hạc cắn chó chết

(thì) Tội quy vào ai?

Kết luận: Sự tương tranh hay yêu thương của cầm thú không có quan hệ đến pháp luật và xã hội con người. Vợ chồng ngư dân vô tội.

Khi ông đọc xong bài văn xử và luận tội, mọi người ồ lên tán thưởng, vua Tự Đức gật gù khen phải, xá tội cho vợ chồng người thuyền chài.

Tài liệu tham khảo:

- Từ điển Văn hóa Việt Nam.- H: Văn Hóa,1993.

- Hưng Yên tỉnh nhất thống chí.- Hải Hưng: Thư viện tỉnh 1971.

- Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam.- H: KHXH, 1993.

- Tìm hiểu các tác gia Hán Nôm Hải Hưng.- Hải Hưng: Thư viện tỉnh. 1973.

- Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 – 1919).-H: Văn học, 1993.

- Văn hóa thể thao Hải Hưng, số 2, năm 1995.

Phạm Văn An - Danh nhân Hưng Yên tháng 12-2006