Đình Quan Xuyên và lễ hội

Làng Quan Xuyên nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, cách thị xã Hưng Yên hơn 20km, thuộc tổng Đại Quan, huyện Đông An, phủ Khoái Châu (ngày nay thuộc xã Thành Công, huyện Khoái Châu). Quan Xuyên nằm bên bờ sông Hồng, mang những nét đặc trưng của một làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ với "cây đa, giếng nước, sân đình". Trong làng, còn lưu giữ được một quần thể di tích lịch sử - văn hóa phong phú, gồm có Đình Quan Xuyên, (thờ Ngũ vị đẳng thần); Miếu Thượng (thờ Tam vị thượng đẳng thần Chử Đồng Tử nhị vị phu nhân); Miếu Trung (thờ Linh ứng đại vương Phạm Công Nghi, được phong Trung đẳng thần); Miếu Hạ (thờ thành hoàng làng Quang Chiếu đại vương Vũ Quang Chiếu, được phong làm Trung đẳng thần); chùa Quan Xuyên; nhà sắc hay nhà Hội đồng (lưu giữ giấy tờ quan trọng của cả làng); Văn chỉ Quan Xuyên và lăng mộ Vũ Quang Chiếu. Tất cả những di tích trên đều có quan hệ mật thiết tới lễ hội làng Quan Xuyên, tạo thành một lễ hội hoàn chỉnh.

Lễ hội đình Quan Xuyên
Theo thần tích, thần sắc tại đình Quan Xuyên thì cả "Ngũ vị đẳng thần" đều có công rất lớn đối với dân, với nước. Tam vị đức thánh tiên đại diện cho quá trình khai phá vùng đất hoang vu thành những làng mạc trù phú, có công cứu nhân độ thế, mở mang nghề buôn... và đặc biệt là lòng thủy chung son sắt trong gia đình, xã hội. Do có công lao to lớn, đời vua Lê Trang Thông (1533-1548, niên hiệu Nguyên Hòa) đã sắc phong cho Đức Thánh Ông là "Chử công Đồng Tử thượng đẳng phù tiên tôn thần", cho "Tiên Dung công chúa thượng đẳng phù tiên tôn thần " và cho Tây Sa công chúa làm "Nội giáp Tây cung công chúa huyền diệu tôn thân". Các đời vua về sau đều ban phong cho ba vị làm "Thượng đẳng thần". Vì thế, Quan Xuyên là một trong 72 làng ven dọc sông Hồng thờ Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân làm Đức Thành Hoàng.

Vũ Quang Chiếu và Phạm Công Nghi là bạn quan đồng liêu. Tuy có quê quán khác nhau (Vũ Quang Chiếu quê làng Lan Xuyên, Thành Công, còn Phạm Công Nghi quê làng Vĩnh Niêm, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) nhưng cả hai đều là những công hầu khánh tướng, phụ giúp nhà Lê. Hai ông đã kết nghĩa làm anh em vào ngày 15/2. Sau đó, nhà Mạc mất, Phạm Công Nghi dược truy phong làm Thái Bảo Nghi Công, Linh Ứng đại vương, còn Vũ Quang Chiếu làm Thái phó, Quang Chiếu đại vương. Về sau, cả hai đều được phong làm " Trung đẳng thần".

Lễ hội truyền thống đình Quan Xuyên được tổ chức hàng năm từ ngày mồng 9 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, nhưng sau này vào năm 1938 cụ Cao Văn Linh (làm thông phán ở Hưng Yên) đã quy định lịch tổ chức lễ hội vào các năm "Thìn, Tuất, Sửu, Mùi" (tức ba năm một lần). Lễ hội đình Quan Xuyên cũng mang đặc trưng chung của lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ, nghĩa là có hai phần quan trọng là Lễ và Hội.