Chùa Chuông

“Chùa Chuông - Phố Hiến nổi tiếng danh lam”

Chùa Chuông có tên chữ là “Kim Chung tự” nằm tại thôn Nhân Dục phường Hiến Nam thị xã Hưng Yên.

Tương truyền vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có những bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa còn có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa chuông vàng).

Chùa Chuông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ 15). Năm 1707, chùa được trùng tu lớn với quy mô hoàn chỉnh của chùa Việt Nam thời Hậu Lê.

Chùa Chuông đêm trăng

Cái đẹp của quần thể kiến trúc chùa Chuông chính là ở bố cục, một bố cục cân đối, nhịp nhàng. Từ ngoài vào là tam quan, kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Qua cầu đá và khoảng sân đến nhà Tiền đường, thiêu hương, thượng điện. Hai bên có hai dẫy hành lang. Phía cuối là lầu chuông, lầu khánh, nhà tổ. Trong chùa có hệ thống tượng phật phong phú như bộ Tam thế, Di Đà tam tôn, tượng Cửu Long… Nổi bật là 8 tượng Kim Cương, 18 vị La Hán, 4 tượng Bồ Tát. Tượng được tạo tác rất công phu, trong tư thế ngồi thoải mái, nét mặt thể hiện tâm trạng vui buồn căm giận hoặc thoát tục sinh động. Chùa có phù điêu Thập điện Diêm Vương tả cảnh Diêm Vương trừng phạt kẻ ác; hai động Phật bằng đất mô tả quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật.

Trong chùa có nhiều di vật như hoành phi, câu đối, đồ thờ, bia đá, trong đó có bia “Kim Chung tự thạch bi ký” dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) mô tả vị trí cảnh quan chùa và ghi người công đức tu tạo. Qua tư liệu này giúp cho các nhà nghiên cứu đoán định có con đường thiên lý thông thương giữa Phố Hiến với Thăng Long qua lại trước cửa chùa và ghi nhận đơn vị phường của Phố Hiến, lúc đó đã có hai mươi phường.