Tín ngưỡng, tôn giáo trên đất Hưng Yên

Cư dân Hưng Yên chủ yếu là nông dân, lúa nước là cây trồng chính gắn với sự chinh phục châu thổ sông Hồng. Cho nên văn minh, văn hóa Hưng Yên là văn minh, văn hóa lúa nước, văn minh, văn hóa sông Hồng.

Văn Miếu Xích Đằng
Làng xóm của Hưng Yên thường phân bố trải dài dọc các triền sông hoặc thành từng xóm nhỏ rải rác giữa đồng ruộng, xung quanh có những lũy tre xanh bao bọc. Mỗi làng có một ngôi đình với cây đa cổ thụ và giếng nước. Cây đa, giếng nước, sân đình đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người từ thuở ấu thơ, để lại dấu ấn không phai mờ của những người xa quê.

Sau những lũy tre xanh, còn ẩn hiện những ngôi đình, chùa, đền, miếu. Từ ngoài xa đã thấy ngôi đình với những mái ngói, đầu đao cao thấp, xa gần nhấp nhô giữa um tùm màu xanh cây cối. Vùng ngoài là những cây đại thụ cao vút tạo thành những mảng lá xanh phủ lên mái nhà làm cho công trình trở lên sinh động. Cây ở đình, chùa thường là những loại cây cổ thụ, quanh năm xanh tươi như đa, đề, si, nhãn, gạo.

Chùa thường được dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, vào chùa phải qua cửa tam quan. Tòa tam quan với ba cửa biểu thị ba cách nhìn huyền diệu của nhà Phật về thế gian. Qua tam quan là vào nội tự, ở đây có khu vực chính là tam bảo với ba tòa: tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Hiện nay ở Hưng Yên còn vết tích một ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý là chùa Hương Lãng (chùa Lãng) xã Minh Hải và chùa Thái Lạc xây dựng thời Trần thuộc xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm. Đây là hai ngôi chùa cổ nhất có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Hưng Yên.

Đền Mẫu
Chùa Hương Lãng tương truyền do Thái hậu Ỷ Lan xây dựng. Chùa bị phá trong kháng chiến chống Pháp. Hiện vật hiện còn là một “ông sấm” (sư tử) đá, bốn cây cột đá lớn, mười con chồn đá đặt ở các bậc thềm. Cạnh đó có nhiều hoạ tiết trang trí như phượng vũ cánh, hoa cúc dây mang nghệ thuật đời Lý. Chùa Thái Lạc còn giữ được 16 bức chạm khắc gỗ đời Trần. Mỗi bức chạm thể hiện nội dung khác nhau như tiên cưỡi phượng dâng hương, tiên đánh đàn, thổi sáo, tiên ngủ trong mây, tiên nữ dâng hoa, đường nét rất tinh xảo. Các hoạ tiết này phản ánh khá rõ nét xã hội Việt Nam thời Trần với hào khí Đông Á.

Kiến trúc đình, chùa độc đáo, còn phải kể đến đình Đa Ngưu (Văn Giang) với 100 cây cột, đền Đa Hòa (Bình Minh - Khoái Châu) với 18 nóc như 18 con thuyền, đền Ủng (Ân Thi) được tôn tạo với kiến trúc hoành tráng, đền An Xá (An Viên - Tiên Lữ) có tháp đất nung dáng dấp của tháp Chàm và hậu cung với kiến trúc bằng đá…

Quần thể di tích Phố Hiến, gồm 12 di tích được xếp hạng với những di tích mang phong cách kiến trúc Trung Hoa, cùng nhiều đồ tế tự, kiệu, võng, hoành phi câu đối được chạm khắc tinh xảo…

Hưng Yên có hơn 800 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 132 di tích được xếp hạng quốc gia, đứng thứ 4 toàn quốc, mà các công trình tín ngưỡng, tôn giáo chiếm số nhiều…