Liên kết tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người dân

Đăng ngày 15 - 09 - 2022
Lượt xem:
100%

Thời gian qua, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tỉnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các bên tham gia, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản.

Chúng tôi đến Hợp tác xã Nông nghiệp Đăng Dương, xã Tiên Tiến (Phù Cừ) vào thời điểm các thành viên đang khẩn trương thu hoạch nhãn để xuất bán cho Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo, thị trấn Trần Cao (Phù Cừ). Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt của những người nông dân bởi họ không phải lo lắng tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lý, thành viên của Hợp tác xã cho biết: Khi thực hiện hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với công ty, các hộ dân trong hợp tác xã tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm; từ đó làm thay đổi tư duy, thói quen sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm nay, Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo thu mua 50% sản lượng nhãn của hợp tác xã (khoảng 15 tấn) để xuất bán vào siêu thị BigC. 

Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo, thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) sơ chế, đóng gói nhãn để xuất bán vào siêu thị BigC
 

Là doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, những năm qua, Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo, thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) đã tích cực liên kết với nông dân trong tỉnh để tiêu thụ một số loại nông sản chủ lực. Năm nay là năm thứ 4 công ty liên kết với một số hợp tác xã, nhà vườn ở thành phố Hưng Yên, huyện Phù Cừ để thu mua nhãn xuất bán vào siêu thị BigC. Từ đầu vụ nhãn đến nay, công ty đã giúp nông dân trong tỉnh tiêu thụ 50 tấn nhãn hương chi với giá từ 15.000 đến 35.000 đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm, công ty thu mua 30 - 50 tấn cam, ổi của nông dân Hưng Yên xuất bán vào siêu thị. Bà Dương Thị Phượng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Phương Thảo cho biết: Trên địa bàn tỉnh có nhiều mặt hàng trái cây chất lượng tốt, được khách hàng ưa chuộng, chính vì vậy, chúng tôi ưu tiên liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân tại các địa phương để tiêu thụ mặt hàng trái cây... Để các mặt hàng nông sản trong tỉnh được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn nữa và tạo được sức cạnh tranh đòi hỏi nhà cung cấp, hợp tác xã, nông dân phải có quy trình, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm nhằm bảo đảm các tiêu chí an toàn chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và tạo sự yên tâm cho khách hàng.

Được thành lập từ năm 2010, Công ty TNHH chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tường Lân ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) chuyên chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ gạo. Những năm qua, công ty tích cực mở rộng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao thông qua hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với người dân ở các huyện Yên Mỹ, Ân Thi. Ngoài tiêu thụ gạo tại thị trường trong nước, công ty xuất khẩu đến một số quốc gia như: Nhật Bản, Nga, Singapore... Trung bình mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo trong đó có 3.000 tấn thu mua của nông dân trong tỉnh. Thông qua việc liên kết với doanh nghiệp, nông dân yên tâm về đầu ra của sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao; đồng thời tạo nguồn nguyên liệu ổn định hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Thực tế cho thấy, mối liên kết giữa người dân với doanh nghiệp đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; nhiều mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định. Theo Sở Nông Nghiệp và PTNT, các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước, một số loại nông sản xuất khẩu như: Gạo, hạt sen, long nhãn, củ nghệ, các sản phẩm từ củ nghệ... Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ là yếu tố quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; thúc đẩy kết nối “cung - cầu”, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm nông sản cho nông dân… 

Để tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục đẩy mạnh thông tin về các quy định tiêu thụ nông sản trong nước và các thị trường xuất khẩu; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương trong triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; thông tin về đối tác, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, cơ quan xúc tiến thương mại của các nước nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa; tiếp tục mở rộng ứng dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Hưng Yên với người tiêu dùng; mở rộng kênh phân phối qua việc bán hàng online, trên các trang thương mại điện tử…

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Tiên Lữ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(28/03/2024 6:37 SA)

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

°
34 người đang online