Kim Động: Bảo đảm an toàn các tuyến đê trong mùa mưa lũ

Đăng ngày 01 - 08 - 2022
Lượt xem:
100%

Huyện Kim Động có 10,94km đê tả sông Hồng qua địa phận 6 xã với gần 7 nghìn nhân khẩu và khoảng 560ha diện tích đất thổ cư, đất canh tác ngoài bãi.

Để chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT &TKCN) huyện đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, xây dựng các phương án xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.
 

Kiểm tra vật tư, phương tiện phòng, chống lụt bão tại xã Đức Hợp (Kim Động)
 

Khu vực đê thuộc các xã Phú Thịnh, Mai Động, Đức Hợp có chiều dài khoảng 3,3km được xác định là trọng điểm về mạch đùn, mạch sủi, bởi đoạn đê này đi qua vùng đất trũng, có nhiều đầm, ao, hồ, thùng đấu, ruộng trũng. Những năm gần đây, cơ quan chức năng đã đầu tư đắp, lấp ao, hồ và làm một số giếng giảm áp, khoan phụt vữa vào nền đê. Tuy nhiên, đoạn đê này vẫn được xác định nguy cơ xuất hiện mạch đùn, mạch sủi không tập trung theo quy luật và có diễn biến phức tạp. Để ứng phó với những nguy cơ có thể xảy ra, huyện đã xây dựng 5 tình huống giả định tương ứng với 5 cấp độ mạch đùn, mạch sủi. 

Đối với việc xử lý sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND huyện đã triển khai kế hoạch, chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn được giao; các xã ven đê kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên, xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết và phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế địa phương. 

Thời điểm này, huyện đã xây dựng lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai số lượng 5.106 người, gồm: Lực lượng tại chỗ ở xã 476 người, lực lượng cắm cừ đào mò 340 người, lực lượng xung kích cơ động 869 người… Cùng với các loại vật tư có tại chỗ khu vực trọng điểm của huyện, các xã ven đê chuẩn bị vật tư tối thiểu cho 1km đê là 1000m3 đất, 500kg rơm, 500 cây tre tươi, 500kg rào; huy động mỗi gia đình 2 bao tải… Các xã đã hợp đồng với chủ phương tiện để huy động khi cần thiết. Huyện đã tổ chức tập huấn công tác phòng, chống lụt bão, xử lý sự cố theo tình huống giả định như: Sạt trượt mái đê; mạch đùn, mạch sủi khi nước lũ lên cao… 

Qua đánh giá hiện trạng đê, kè trước mùa mưa lũ năm 2022, huyện chỉ đạo theo dõi chặt chẽ và có phương án ứng phó thích hợp đối với một số vị trí như: Đoạn đê từ K108 - K111+333 thuộc địa phận 3 xã: Phú Thịnh, Mai Động, Đức Hợp có nền đê xấu, các năm lũ lớn thường xuất hiện mạch đùn, mạch sủi khi lũ lên cao, thậm chí có năm xuất hiện hơn 100 mạch sủi, đã xây dựng 38 giếng giảm áp, nhưng sau nhiều năm chưa được thử thách với lũ; đoạn đê K111 - K111+900 thuộc xã Đức Hợp thường xuất hiện thẩm lậu ở cơ và mái đê…

Theo UBND huyện, năm 2021, tổng ngân sách đầu tư cho cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn huyện trên 38,37 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh đầu tư, hỗ trợ 35 tỷ đồng kè bờ sông Hồng tại xã Đức Hợp và tu sửa đê bối Phú Thịnh; UBND huyện đầu tư trên 1,67 tỷ đồng xây mới các cống thoát nước, nạo vét kênh mương… Thời điểm này, tỉnh đang tiến hành khảo sát hệ thống đê toàn tuyến, xử lý tổ mối; huyện đã huy động các lực lượng phát quang mái đê, chân đê; kiểm tra, rà soát, trang, cấp bổ sung các phương tiện, vật tư và tổ chức canh điếm gác nước khi có nước lũ lên cao… 

Riêng đối với tuyến đê bối bao quanh khu vực 4 xã: Phú Thịnh, Mai Động, Đức Hợp, Hùng An có chiều dài 11,1km, đến nay đã được đầu tư cứng hóa 8,5km, mặt đê bối mở rộng 5,5m; đoạn còn lại, mặt đê bằng đất có chiều rộng trung bình 2,5 - 2,8m. Hiện nay còn 4 cống điều tiết đê bối để điều tiết nước ra sông Hồng thuộc xã Đức Hợp đã xuống cấp và khoảng 1,2km đê bối, cách sông Hồng 25 - 35m, chưa được lát mái hộ bờ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện và chính quyền địa phương đã có phương án cụ thể bảo vệ người, tài sản khi nước lũ lên cao, đặc biệt khi nước lũ lên báo động 3 sẽ phải di dời toàn bộ người dân vùng bối đến vị trí an toàn. 

Thời điểm này, các xã đã thống kê đầy đủ đối tượng người già, trẻ nhỏ và lập danh sách các hộ dân đăng ký sơ tán; lập phương án di dân và tìm kiếm cứu nạn; thành lập tiểu ban đưa, đón dân đi sơ tán để khi có lệnh là sơ tán kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy cao độ sự nỗ lực của toàn dân theo phương châm “4 tại chỗ” và mục tiêu sơ tán nhanh, hành lý gọn, cứu mình là chính… Cùng với việc nâng cấp, sửa chữa, gia cố các tuyến đê, các địa phương còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm hành lang đê; tổ chức phát quang chân đê, mái đê và chủ động các biện pháp ứng phó, di dời người, tài sản khi có tình huống xấu xảy ra.

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo(15/03/2024 6:43 SA)

°
63 người đang online