Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

Đăng ngày 12 - 08 - 2022
Lượt xem:
100%

Ngày 12.8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hưng Yên
 

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021 - 2022, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của ngành. Lần đầu tiên khai giảng năm học phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Cả nước có trên 28.500 cơ sở giáo dục mầm non phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó hơn 20.000 cơ sở đã phải dừng hoạt động 3- 6 tháng, nhiều trường mầm non ngoài công lập phải giải thể…

Trước tình hình đó, ngành giáo dục và đào tạo đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo; hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học. Đối với giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ em và duy trì hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non… Đối với giáo dục phổ thông, 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên. Tiếp tục tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 bảo đảm nghiêm túc và an toàn. Tiếp tục thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học phát triển…

Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo Luật Giáo dục 2019) cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%...  Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục. Hiện nay cả nước có 390 nghìn phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 85%. Các địa phương tiếp tục thực hiện xã hội hóa giáo dục để huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển giáo dục, đào tạo tại địa phương…

Năm học 2022-2023, Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phần cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục bám sát Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đồng thời xây dựng môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học; rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm và các khoản thu- chi đóng góp tại các cơ sở giáo dục bảo đảm khách quan, công bằng và minh bạch. Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong trường học và tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bảo đảm chất lượng dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương rà soát số lượng giáo viên và biên chế giáo viên để kịp thời bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục…

Phát biểu tại điểm cầu của tỉnh, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với Sở Nội Vụ rà soát, báo cáo cụ thể về đội ngũ giáo viên, biên chế giáo viên để tỉnh xây dựng phương án bổ sung biên chế giáo viên bảo đảm chính xác, khách quan. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Tin liên quan

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo(15/03/2024 6:43 SA)

Sơ kết Chương trình “Sóng và máy tính cho em”(18/01/2024 6:57 SA)

Tổng kết 10 năm về đổi mới giáo dục(15/12/2023 8:22 SA)

Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.(17/11/2023 2:15 CH)

Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường THPT Phù Cừ(12/11/2023 7:35 SA)

Tin mới nhất

Tiên Lữ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(28/03/2024 6:37 SA)

Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao(27/03/2024 9:30 SA)

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh(27/03/2024 8:51 SA)

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Hội nghị ký Kế hoạch phối hợp nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” chính quyền phục vụ người dân và...(27/03/2024 6:24 SA)

°
67 người đang online