Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp

Đăng ngày 11 - 08 - 2022
Lượt xem:
100%

Ngày 11.8, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên có các đồng chí: Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Ngọc Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

 Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hưng Yên
 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải khi vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội và duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian qua; ghi nhận sự đóng góp tích cực, quan trọng của các DN trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam; thực trạng, khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN đang phải đối mặt; kết quả đạt được và chưa đạt được trong triển khai thực hiện chính sách, giải pháp của Chính phủ thời gian qua. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn được nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của các DN, hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ" nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển DN kịp thời của Chính phủ cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của các doanh nghiệp, tình hình phát triển doanh nghiệp đạt nhiều kết quả. 7 tháng của năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và hoạt động trở lại đạt trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động. Doanh thu 7 tháng năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước... 

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn ở mức cao. Hiện nay, khu vực doanh nghiệp thiếu vắng lực lượng các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa. Bên cạnh đó, năng lực khoa học của các doanh nghiệp còn hạn chế; tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hình thức, chưa thực sự tạo thành khối liên kết... Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh; giá xăng, dầu, nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí của doanh nghiệp; thiếu hụt lao động cục bộ tại một số ngành nghề, lĩnh vực, chi phí liên quan đến người lao động tăng; khó khăn tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh...

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện tình hình sản xuất, kinh doanh 7 tháng năm 2022; tác động của kinh tế thế giới tới hoạt động trong nước, nhận định cơ hội, khó khăn, rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ và lắng nghe đề xuất giải pháp của DN, hiệp hội DN trong một số ngành: Du lịch, hàng không, xây dựng, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, logistics, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, lúa gạo, rau, quả...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, tâm huyết của các DN, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng DN cần thực hiện một số giải pháp: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thúc đẩy thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của DN. Làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số…

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý còn tồn tại cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng, dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh... 

 Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tổ chức hiệp hội DN cần phát huy vai trò trong hỗ trợ DN thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các DN vượt qua khó khăn hiện nay, thích ứng với giai đoạn mới. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm  giữ chân người lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị DN....

Tin liên quan

Hội nghị ký Kế hoạch phối hợp nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” chính quyền phục vụ người dân và...(27/03/2024 6:24 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Tin mới nhất

Tiên Lữ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(28/03/2024 6:37 SA)

Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao(27/03/2024 9:30 SA)

Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh(27/03/2024 8:51 SA)

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Hội nghị ký Kế hoạch phối hợp nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” chính quyền phục vụ người dân và...(27/03/2024 6:24 SA)

°
14 người đang online