Hưng Yên: Phục hồi hoạt động vận tải hành khách

Đăng ngày 04 - 07 - 2022
Lượt xem:
100%

Sau hơn 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã trở lại bình thường, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm, nhu cầu sử dụng phương tiện xe khách của người dân còn khá hạn chế.

Hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh từng bước được phục hồi nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn
 

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã cho phép phương tiện vận tải đường bộ hoạt động trở lại với tần suất bình thường, cơ chế kiểm soát y tế đơn giản, thông thoáng như: Yêu cầu hành khách thực hiện quy tắc 5K trong phòng dịch, các bến xe và chủ phương tiện thực hiện khử khuẩn sau mỗi chuyến… Tuy nhiên, do tâm lý e ngại dịch nên đến nay lượng khách đi xe vẫn khá ít. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT), toàn tỉnh hiện có 643 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Trong đó, có 250 tuyến vận tải khách tuyến cố định liên tỉnh đã được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch. Các đơn vị đang khai thác 90 tuyến với 206 xe; có 9 tuyến xe buýt lân cận đang hoạt động với 147 xe đi Hà Nội và các tỉnh: Hà Nam, Thái Bình và Hải Dương; có 26 hãng taxi với 1.305 xe; 599 xe khách theo hợp đồng. 

Từ tháng 3.2022 đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn tỉnh đã đưa xe vào hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do lượng khách thiếu hụt, tần suất hoạt động của các đơn vị chỉ đạt khoảng 40 - 50%, mới chỉ có 100/250 tuyến liên tỉnh được khai thác. Trong đó, có rất nhiều xe xuất bến không có khách. Điều này dẫn đến tốc độ phục hồi của hoạt động vận tải hành khách đường bộ đang rất chậm, doanh nghiệp kinh doanh vận tải lao đao với bài toán dừng hoặc hoạt động cầm cự.

Để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, với vai trò quản lý nhà nước, Sở GTVT đã triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, như xác nhận phương tiện ngừng hoạt động làm cơ sở để miễn giảm phí bảo trì đường bộ; yêu cầu chủ bến xe bảo đảm duy trì đăng ký hoạt động tại bến cả đối với xe đang tạm dừng hoạt động do giảm tần suất chuyến; chấp nhận điều chỉnh phương tiện, luồng tuyến theo nhu cầu vận tải thực tế của mỗi đơn vị; đề nghị ngân hàng triển khai các gói vay hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải…

Cùng với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Sở GTVT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực vận tải đường bộ. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; xây dựng kế hoạch để kiểm tra xe hợp đồng, xe vận tải hành khách tuyến cố định đón trả khách không đúng nơi quy định, thực hiện không đúng biểu đồ chạy xe theo phương án khai thác tuyến đã được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận; xe dù lôi kéo, đón trả khách tại các điểm dừng, đỗ của xe buýt; xử lý nghiêm theo quy định đối với trường hợp vi phạm. 

Thanh tra Sở GTVT cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng, đơn vị có liên quan trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh... Thông qua kiểm tra, theo dõi từ thiết bị giám sát hành trình, 6 tháng đầu năm, Sở GTVT đã thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải hành khách không thời hạn đối với 1 đơn vị kinh doanh vận tải, thu hồi phù hiệu hơn 1,2 nghìn phương tiện.

Ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Hoàng Thắng (Văn Giang) cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải công cộng của người dân còn hạn chế, dè dặt, khiến hoạt động vận tải phục hồi rất chậm. Hiện nay, công ty chỉ vận hành 30% lượng xe đang có để đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, duy trì hoạt động theo quy định. Song tháng nào cũng phải bù lỗ vì thu không đủ chi khi lượng khách đi xe ít, trong khi đó các chi phí như cầu đường, lương lái phụ xe và đặc biệt giá xăng, dầu đang tăng cao, xe phải trang bị các biện pháp phòng dịch khá tốn kém… 

Hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ gần như đã "kiệt sức". Nhiều doanh nghiệp phải hạn chế chi tiêu, cắt giảm hợp đồng để có đủ khả năng trả lương “giữ chân” đội ngũ lái xe chuyên nghiệp vốn rất khó tuyển dụng. Bên cạnh đó, tỷ lệ xe hoạt động chỉ đạt 40 - 50%, điều đó có nghĩa số xe còn lại buộc phải tập kết về bãi phơi mưa, nắng dẫn đến tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng. Tuy nhiên, các chi phí phương tiện như đăng kiểm, bảo hiểm vẫn phải duy trì vì thế chấp ngân hàng. Điều này dẫn đến không có nguồn thu, lãi ngân hàng cộng dồn, nguy cơ rơi vào nhóm nợ xấu. 

Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Chính phủ đã triển khai nhiều gói hỗ trợ, nhưng hiện tại các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đường bộ của tỉnh khó tiếp cận gói hỗ trợ. Nguyên nhân do các điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo, doanh nghiệp không thực hiện được. Để được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, cần xác nhận thuế doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ các chính sách thuế của Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện chính sách tự khai, tự tính, tự nộp thuế trên nguyên tắc tự giác, tự xác định nghĩa vụ thuế… Vì thế, để xác định nghĩa vụ thuế, cần phải thanh tra, kiểm tra từ ngành thuế, điều này rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Do đó, nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc là điều các doanh nghiệp vận tải thực sự trông đợi để có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ, duy trì và từng bước phục hồi hoạt động vận tải.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo(15/03/2024 6:43 SA)

°
67 người đang online