Văn Lâm: Khai thác tiềm năng phát triển thương mại – dịch vụ

Đăng ngày 17 - 09 - 2021
Lượt xem:
100%

Thời gian qua, huyện Văn Lâm đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có và thu hút đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ (TM – DV) trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân.

Không gian mua sắm hiện đại ở Siêu thị Điện máy xanh, xã Đình Dù

Văn Lâm là huyện nằm ở phía bắc của tỉnh, tiếp giáp với thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, có tuyến quốc lộ 5 chạy qua địa bàn. Ngoài ra, mạng lưới giao thông nối liền các xã, thị trấn trong huyện đang từng bước được hoàn thiện; sản xuất công nghiệp ngày càng phát triển, thu hút đông đảo người lao động trong và ngoài tỉnh đến làm việc, sinh sống. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để phát triển TM - DV trên địa bàn huyện. Cùng với đó, những năm qua, huyện chú trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại, tích cực mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chợ, siêu thị. Theo số liệu thống kê của phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Văn Lâm, toàn huyện hiện có 5 siêu thị đang hoạt động; 23 cửa hàng tự chọn kinh doanh tổng hợp, 3 cửa hàng kinh doanh đồ điện tử; 17 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp phép hoạt động; 40 chợ truyền thống, trong đó có: 1 chợ loại I, 1 chợ loại II, 8 chợ loại III... Toàn huyện có 715 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực TM - DV và  9.870 hộ kinh doanh dịch vụ (hộ cá thể), tạo việc làm cho trên 18.700 lao động. Hoạt động TM - DV trên địa bàn huyện tập trung vào các loại hình bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; thực phẩm đồ uống, đồ dùng gia đình, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống; ngân hàng, bưu chính viễn thông... Đặc biệt, TM - DV của huyện trong những năm qua đã có những chuyển biến, giảm về kinh doanh nhỏ lẻ, phát triển các phương thức kinh doanh theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Sự xuất hiện của hệ thống thương mại hiện đại, các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn... không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân mà còn tạo nên diện mạo mới ngày càng văn minh, hiện đại hơn cho địa phương. Đặc biệt, nằm ven quốc lộ 5, giao thông thuận tiện, Chợ Như Quỳnh (thị trấn Như Quỳnh) được đưa vào hoạt động từ năm 2018 với thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn chợ hạng I với khuôn viên rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Chợ hiện có trên 100 hộ kinh doanh đa dạng các mặt hàng, thu hút khá đông khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Anh Đào Duy Hiển, Quản lý Siêu thị Điện máy xanh ở xã Đình Dù cho biết: “Được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành các thủ tục pháp lý, siêu thị Điện máy xanh bắt đầu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong huyện từ năm 2019. Đến nay, siêu thị đã mở rộng và kinh doanh đa dạng các mặt hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng... Hàng hóa tại đây phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng, được sắp xếp khoa học, khách hàng được trải nghiệm không gian mua sắm hiện đại. Ngoài bán trực tiếp, chúng tôi còn phát triển kênh bán hàng trực tuyến qua website của siêu thị. Với số dân trên địabàn đông đúc, kinh tế phát triển nên việc kinh doanh của siêu thị thuận lợi, doanh thu khá”.

Trong quá trình phát triển kinh tế, phát huy lợi thế về giao thông, vị trí địa lý và sự đa dạng về các di tích văn hóa đã được xếp hạng, huyện đang phát huy những thế mạnh sẵn có để phát triển TM - DV, du lịch một cách bền vững. Nhờ vậy, hoạt động TM - DV trên địa bàn tăng nhanh về số lượng, bảo đảm cung ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Giá trị sản xuất TM - DV liên tục tăng qua các năm, năm 2020, doanh thu từ hoạt động TM - DV trên địa bàn huyện chiếm 14,12% tỷ trọng các ngành kinh tế của địa phương.

Để đẩy mạnh phát triển TM - DV, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển TM - DV trên địa bàn theo hướng hiện đại. Phát triển dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng cung ứng, phục vụ, ưu tiên phát triển các dịch vụ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ khác. Đồng thời, quan tâm phát triển các dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân; khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ cơ bản với chất lượng cao như: Thương mại, khách sạn, nhà hàng… Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn góp phần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật đối với các chủ cơ sở kinh doanh hàng hóa.

Tin liên quan

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Giám sát kết quả triển khai thực hiện chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...(29/02/2024 6:40 SA)

°
51 người đang online