Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng

Đăng ngày 06 - 04 - 2021
Lượt xem:
100%

Trong quý I, diễn biến của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Trước thực tế trên, tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội... 
 

Sản xuất tại Tổng Công ty may Hưng Yên - Công ty cổ phần

Theo đánh giá của Cục Thống kê, trong quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,07% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó công nghiệp khai khoáng giảm 7,19%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,70%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,84%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 13,32%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước như: Thức ăn gia súc tăng 3,5%; nước khoáng không có ga tăng 7,68%; nước ngọt tăng 33,18%; sản phẩm bằng plastic khác tăng 15,36%...

Công ty cổ phần Hyundai Aluminum Vina có trụ sở tại Khu công nghiệp Phố Nối A, được thành lập tháng 10.2006, là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, công ty được đánh giá là nhà sản xuất nhôm hàng đầu tại châu Á, với dây chuyền đúc nhôm tiên tiến và máy đùn ép hiện đại, cùng các dây chuyền xi mạ, đánh bóng... Công ty đang sản xuất, thi công và lắp đặt các vật liệu nhôm xây dựng, sản xuất vỏ điện thoại, khung nhôm cho màn hình tivi xuất khẩu trên toàn thế giới. Ông Park Jin Woo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hyundai Aluminum Vina cho biết: 3 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của công ty. Để vượt qua khó khăn, công ty thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ là chủ động phòng, chống dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất. Được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam và của tỉnh, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của công ty vẫn được bảo đảm; sản lượng sản xuất và xuất khẩu tăng hơn 5% so với những năm trước, bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 3 nghìn lao động, duy trì mức thu nhập bình quân đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng…

Công nghiệp dệt may là lĩnh vực thu hút nhiều lao động. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh và duy trì phát triển sản xuất, sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh đã kiểm soát chặt chẽ người lao động đến từ vùng dịch, yêu cầu khai báo y tế, thực hiện “5K” theo khuyến cáo của ngành y tế; bố trí vị trí làm việc phù hợp; ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, ký kết hợp đồng; đồng thời tích cực đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất lao động... Do đó, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc ngừng sản xuất. Trong quý I, các doanh nghiệp sản xuất trên 72,3 triệu sản phẩm quần, áo, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước; duy trì, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động.  

Có được kết quả trên, các cấp, các ngành tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu; bảo đảm an sinh xã hội. Các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt thực hiện giải pháp vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn duy trì ký kết hợp đồng với đối tác, duy trì ổn định sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. 

Theo nhận định của ngành chức năng, từ nay đến cuối năm, sản xuất công nghiệp có thể còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến mục tiêu, kế hoạch đề ra. Để thực hiện đạt mục tiêu sản xuất công nghiệp trong năm 2021, Sở Công Thương cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, đưa vào hoạt động các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; tích cực trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư các dự án công nghiệp, giúp nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đang triển khai và mở rộng quy mô sản xuất; triển khai hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, giá cả, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng các mối quan hệ liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát huy thế mạnh và sức lan tỏa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh. Các sở, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách hành chính, thường xuyên rà soát các quy định của pháp luật, các thủ tục hành chính của sở, ngành mình để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính.

Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cụ thể, huy động nguồn lực để tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển về công nghệ, kỹ năng quản lý; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát chuyên đề tại Sở Giáo dục và Đào tạo(15/03/2024 6:43 SA)

°
56 người đang online