Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

Đăng ngày 05 - 04 - 2021
Lượt xem:
100%

Ngày 29/3/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Cụ thể, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Hợp tác, liên doanh sản xuất phim hoặc cung cấp dịch vụ sản xuất phim không đúng nội dung ghi trong giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim; hợp tác, liên doanh sản xuất phim hoặc cung cấp dịch vụ sản xuất phim mà không có giấy phép;... Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim.

Về lĩnh vực phát hành phim, Nghị định quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Bán, cho thuê phim thuộc diện lưu hành nội bộ; tẩy xóa, sửa đổi nhãn kiểm soát dán trên băng, đĩa phim. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đánh tráo nội dung phim đã được dán nhãn kiểm soát. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi phát hành phim khi chưa được phép phổ biến, trừ trường hợp phim nhập khẩu. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi phát hành phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm phổ biến hoặc tiêu hủy.

Về lĩnh vực biểu diễn, Nghị định quy định:  Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng người biểu diễn trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động biểu diễn để tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Biểu diễn nghệ thuật mà thực hiện hành vi không phù hợp với văn hóa truyền thống, lứa tuổi, giới tính theo quy định của pháp luật; Biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung kích động bạo lực; ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại; sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân;... Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức biểu diễn, thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn có nội dung xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân.

Về tổ chức lễ hội, Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với một trong các hành vi sau: Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng nếu bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích…

Nghị định cũng quy định việc sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị phạt từ 25-30 triệu đồng. Ngoài ra, các hành vi khác như biểu diễn nghệ thuật thực hiện hành vi không phù hợp với văn hóa truyền thống, lứa tuổi, giới tính; biểu diễn nghệ thuật, thi, liên hoan có nội dung kích động bạo lực; nội dung xuyên tạc lịch sử, xúc phạm tín ngưỡng… cũng bị phạt tiền với mức này.

Về lĩnh vực kinh doanh Karaoke, vũ trường, Chính phủ cũng quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng nếu cung cấp dịch vụ vũ trường cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc kinh doanh dịch vụ Karaoke ngoài khoảng thời gian từ 8-24 giờ.

Về lĩnh vực quảng cáo, Nghị định quy định phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Quảng cáo thuốc lá; quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo; quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác.

Đối với hành vi treo đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm b khoản 8 Điều 12 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Quảng cáo việc chẩn đoán, lựa chọn giới tính phôi, thai nhi; quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2021. Nghị định này làm hết hiệu lực một phần Nghị định 28/2017/NĐ-CP và Nghị định 115/2018/NĐ-CP.                                      

Tin liên quan

Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao(27/03/2024 9:30 SA)

Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” tỉnh Hưng Yên năm 2024(26/03/2024 9:09 SA)

Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024(25/03/2024 9:32 SA)

Công văn về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt(25/03/2024 9:25 SA)

Kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục...(25/03/2024 9:15 SA)

Tin mới nhất

Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Lao(27/03/2024 9:30 SA)

Kế hoạch tổ chức cuộc thi “Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu” tỉnh Hưng Yên năm 2024(26/03/2024 9:09 SA)

Công điện về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024(25/03/2024 9:32 SA)

Công văn về việc triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt(25/03/2024 9:25 SA)

Kế hoạch xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục...(25/03/2024 9:15 SA)

°
13 người đang online