Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất vụ đông

Đăng ngày 15 - 12 - 2021
Lượt xem:
100%

Vụ đông năm nay mặc dù gặp không ít khó khăn do mưa lớn kéo dài gây ngập úng, một số diện tích cây vụ đông sớm phải trồng bổ sung. Không những thế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây khó khăn cho việc tiêu thụ nhưng nông dân trên địa bàn huyện vẫn nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất đề ra.
 

Nông dân xã Đặng Lễ (Ân Thi) thu hoạch bí ngô
 

Xã Văn Nhuệ là một trong những địa phương nằm ở tốp đầu trong phong trào sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện. Năm nay, xã có kế hoạch gieo trồng trên 50 ha rau màu vụ đông, trong đó, diện tích trồng ngô chiếm gần 90%. Nhanh tay tưới những luống ngô xanh mướt, bà Vũ Thị Sớm, thôn Văn Trạch cho biết: Năm nay, thời tiết đầu vụ đông khắc nghiệt với người nông dân. Sau khi xuống giống gieo trồng cây ngô theo lịch thời vụ thì gặp mưa to kéo dài làm cho nhiều diện tích ngô bị chết hoặc lay gốc… chúng tôi phải trồng bổ sung và tăng cường chăm sóc để cây phục hồi. Hơn nữa, giá bán các loại phân bón năm nay tăng gần gấp 2 lần so với năm trước, càng làm cho nông dân chúng tôi sản xuất khó khăn. Thời điểm này, ngô chuẩn bị cho thu hoạch, thương lái đã về đặt mua với giá trung bình 3,5 – 5 triệu đồng/sào, cao hơn 700 – 1,5 triệu đồng/sào so với vụ trước.

Đồng chí Nguyễn Văn Phục, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Nhuệ cho biết: Đến ngày 8.12, nông dân trên địa bàn xã đã hoàn thành 100% kế hoạch gieo trồng rau màu vụ đông. Vụ đông năm nay, nông dân gặp khó khăn “kép” do tình hình dịch bệnh, giá phân bón tăng cao. Tuy nhiên, với quyết tâm duy trì sản xuất vụ đông, tăng thu nhập cho người dân cũng như đối tượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xã đã triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất vụ đông của tỉnh, huyện về các thôn, phối hợp với Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Ân Thi điều tiết nguồn nước, tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất vụ đông, hướng dẫn các thôn quy hoạch khu vực sản xuất rau màu vụ đông tập trung nhằm tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, bảo vệ và tiêu thụ nông sản. Theo đánh giá, giá bán các loại rau màu nói chung và ngô nói riêng trên địa bàn xã cao hơn vụ trước.

Tại các địa phương chuyên canh cây vụ đông sớm trên địa bàn huyện như các xã: Hồ Tùng Mậu, Đặng Lễ, Cẩm Ninh… sản xuất vụ đông năm nay cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư lớn hơn. Anh Đinh Công Lịch, xã Đặng Lễ chia sẻ: Gia đình tôi trồng 1 mẫu bí đỏ. Khi lúa uốn câu, gia đình tôi huy động nhân lực rẽ lúa trồng màu. Thời điểm thu hoạch lúa xong thì cây bí cũng dài từ 30 đến 40 cm. Tuy nhiên, giai đoạn cây bí phát triển gặp đợt mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh khiến nhiều luống bí của gia đình tôi bị úng, héo, kém phát triển và chết. Gia đình tôi phải huy động 2 máy bơm để tiêu úng cho cây bí. Sau đó, tiến hành trồng dặm thay thế cây chết, bón phân để cây phục hồi. Trung bình, mỗi sào trồng bí, phải chi phí thêm 1 – 1,5 triệu đồng. 

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng theo đánh giá của người dân, từ đầu vụ đến đầu tháng 12, giá bán các loại rau màu cao hơn so với năm trước. Cụ thể, bí ngô bao tử có giá trung bình cả vụ 7 – 9 nghìn đồng/kg, bắp cải, su hào 10 – 15 nghìn đồng/kg… 

Theo số liệu của phòng chuyên môn, vụ đông này, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 950 ha rau màu vụ đông, đến ngày 8.12, nông dân trên địa bàn huyện đã gieo trồng được trên 870 ha rau màu vụ đông, đạt trên 91% kế hoạch. Để hoàn thành và vượt kế hoạch sản xuất vụ đông, ngay từ đầu vụ, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã xác định thuận lợi và khó khăn sản xuất vụ đông trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đó, tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất các loại rau màu năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ; tuyên truyền người dân chuyển hướng từ sản xuất theo kinh nghiệm sang áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật; vận động các điểm thu mua nông sản trên địa bàn huyện ưu tiên thu mua nông sản của nông dân địa phương. Các xã, thị trấn tạo điều kiện cho thương lái về địa phương thu mua nông sản, bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Cao Thị Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để tạo thuận lợi cho sản xuất vụ đông, huyện đã hỗ trợ chi phí mua giống để gieo trồng 150 ha ngô nếp HN88 cho các địa phương. Trong quá trình sản xuất, phòng phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân luân canh các loại rau ngắn ngày, đáp ứng nhu cầu của thị trường giai đoạn chuyển vụ nhằm tăng hiệu quả kinh tế; hướng dẫn người dân ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học nhằm giảm chi phí sản xuất, cải tạo đất,  bảo đảm chất lượng nông sản…

Tin liên quan

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

Văn Lâm: Chú trọng phát triển làng nghề(14/03/2024 7:44 SA)

Khoái Châu: Nhộn nhịp mùa xuất bán cây giống(14/03/2024 7:43 SA)

Triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử...(11/03/2024 6:28 SA)

Tin mới nhất

Tiên Lữ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(28/03/2024 6:37 SA)

Công bố quyết định của UBND tỉnh về công tác cán bộ(27/03/2024 6:25 SA)

Xã Phan Sào Nam đón bằng công nhận xã Nông thôn mới kiểu mẫu(25/03/2024 6:33 SA)

Bảo đảm các quy định trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã(19/03/2024 7:50 SA)

Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng chủ lực(17/03/2024 6:45 SA)

°
4 người đang online