LÊ HỮU KIỀU (1690 – 1760)

Đăng ngày 06 - 08 - 2018
Lượt xem:
100%

Lê Hữu Kiều, hiệu là Tốn Trai, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ). Thân phụ của ông là Lê Hữu Danh, đỗ Hoàng giáp năm Canh Tuất đời Cảnh Trị (1670). Lê Hữu Danh có 10 con trai đều hay chữ, giỏi thơ văn, có 3 người đỗ Tiến sĩ. Lê Hữu Kiều là con út. Năm 18 tuổi, ông cùng với anh là Lê Hữu Mưu đỗ Hương giải, năm 25 tuổi đỗ khoa Hoành Từ, được bổ chức quan văn trong kinh. Năm 28 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1718). Ông có tài văn kiêm võ được cử làm Giám sát Thanh Hóa, quyền Hiến sát Kinh Bắc, tham dự việc các trấn Thái Nguyên, Cao Bằng và Phó Đô ngự sử. Năm 47 tuổi (1737), ông được thăng Thừa chỉ, lại thăng Hữu Thị lang bộ Công, sau đi sứ Trung Quốc, khi về được thăng Tả Thị lang bộ Công, tước Liêu đình bá. Năm 1740, ông vào phủ làm Bồi tụng, thăng chức Đô đài, phong tước hầu, lại làm Lưu thủ ở Thanh Hóa. Năm 1742, ông làm Thượng thư bộ Công. Năm Giáp Tý (1744), ông vâng mệnh đi làm Đốc trấn Thái Nguyên. Năm Bính Dần (1746), làm Tham thị ở Nghệ An. Năm Mậu Thìn (1748), ông làm Thượng Thư bộ Lễ. Năm Kỷ Tỵ (1749), ông làm Tham tụng. Năm Nhâm Thân (1752), thăng Thượng thư bộ Binh. Năm Ất Hợi (1755), 65 tuổi ông về hưu được thăng Thượng thư bộ Lễ.

Lê Hữu Kiều là một người văn võ song toàn, từng làm Thượng thư nhiều bộ. Hơn 40 năm làm quan, công lao đức vọng nổi tiếng một thời. Khi ông về được vua ban câu đối và cờ thêu:

Sứ mao phiên khổn cần thì nhật

Quỹ tịch, kinh vi lệ dực niên

Nghĩa là:

Nhớ những ngày có công chăm chỉ cầm cờ mao đi sứ, ra trận ngoài biên

Tưởng nhớ những năm có công giúp giữ quyền Tể tướng và vào hầu kinh diên.

Đôi câu đối:

Tại triều, tại quân, văn kiêm vũ

Vu quốc, vu gia, hiếu tố trung

Nghĩa là:

Khi ở triều, khi ở quân văn mà kiêm vũ,

Với nước, với nhà lấy hiếu làm trung.

Sau khi thôi làm quan, ông nghiên cứu kinh điển Phật giáo và mở một sở tuyên giảng đạo Phật, người nghe thường có mấy trăm. Nhiều hòa thượng thời Lê – Trịnh là học trò của ông.

Ông mất năm Canh Thìn (1760), thưởng thọ 71 tuổi, được truy tặng Thiếu phó, tước Quận công.

Tác phẩm của ông có:

- Hoàng Hoa nhã vịnh

- Bắc sứ hiệu thần phi

Và một số thơ chép trong gia phả họ Lê ở Liêu Xá, nhan đề : Văn Xá Lê tộc thế phả.

 Tài liệu tham khảo:

- Liêu Xá khoa hoạn thực lục.- Hải Hưng: Thư viện tỉnh.

- Hải Dương phong vật khúc khảo thích T2.- Hải Hưng: Thư viện tỉnh.

- Từ điền các nhân vật lịch sử Việt Nam.-H: KHXH, 1992.

- Đại Nam nhất thống chí T3.-H: KHXH, 1971.

- Lịch triều hiến chương loại chí T1.-H: KHXH, 1992.

- Từ điển Văn hóa Việt Nam.- H: Văn hóa, 1993.

Tin liên quan

DƯƠNG TỤ QUÁN (1901 – 1969)(08/08/2018 8:53 SA)

PHAN VĂN ÁI (1850 – 1898)(08/08/2018 8:35 SA)

NGÔ QUANG HUY (1835- 1889)(07/08/2018 3:53 CH)

ĐINH GIA QUẾ (1825-1885)(07/08/2018 3:41 CH)

NGUYỄN VĂN SAN (1808 - 1883)(07/08/2018 3:25 CH)

Tin mới nhất

DƯƠNG TỤ QUÁN (1901 – 1969)(08/08/2018 8:53 SA)

PHAN VĂN ÁI (1850 – 1898)(08/08/2018 8:35 SA)

NGUYỄN TUYỂN (1872 – 1909) (08/08/2018 8:42 SA)

NGÔ QUANG HUY (1835- 1889)(07/08/2018 3:53 CH)

ĐINH GIA QUẾ (1825-1885)(07/08/2018 3:41 CH)

°
71 người đang online