16/06/2020 | lượt xem: 7 Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới Ngày 15-6, tại Nhà Quốc hội (QH), kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV tiếp tục thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. Ảnh: QUANG HOÀNG Chủ động đón làn sóng đầu tư mới Nhiều đại biểu nhận định, tình hình thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và gây ra những hậu quả nặng nề, nhất là sự suy thoái về kinh tế. Hiện nay, nhận thức, xu hướng và nhiều động lực tăng trưởng mới đã được hình thành, việc Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, nhìn nhận rõ những yếu kém của nền kinh tế và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới trong phát triển kinh tế - xã hội là thật sự quan trọng để hóa giải khó khăn, tạo đà đưa đất nước bứt phá mạnh mẽ. Ðại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) và nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, với sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng, các hoạt động xuất, nhập khẩu và thương mại quốc tế cũng như hoạt động sản xuất của Việt Nam đã bị tác động mạnh, ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế. Yêu cầu lúc này là đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực và thế giới. Ðồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp chủ động tham gia các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Ðại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu cho biết, Việt Nam có quan hệ kinh tế với nhiều nước, trong đó, 17 nước đối tác quan trọng quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch Việt Nam. Vì vậy, cần theo dõi để khi đủ điều kiện sẽ kịp thời có kế hoạch mở cửa lại với 17 nước này, bảo đảm phương pháp tiến hành thận trọng, dựa vào khoa học do ngành y tế tham vấn. Ðại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) và nhiều ý kiến nhấn mạnh, hiện làn sóng FDI không chỉ đến với Việt Nam mà còn hướng tới nhiều quốc gia khác. Vì vậy, cần phải có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút FDI trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút một cách chọn lọc, bảo đảm lợi ích quốc gia và sự bình đẳng cho doanh nghiệp. Trong đó, cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực để chủ động đón đầu dòng dịch chuyển vốn. Tận dụng tốt cơ hội, ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do; duy trì, phục hồi các thị trường xuất khẩu hiện có và mở rộng các thị trường mới; chủ động có kế hoạch, biện pháp cụ thể đối với từng ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Quyết tâm thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" Nhiều đại biểu cho rằng, cùng với việc kiểm soát tốt dịch, Việt Nam bước đầu thành công trong khôi phục nền kinh tế, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trên các lĩnh vực quan trọng, một số chính sách chưa thật sự đi vào cuộc sống, khó tiếp cận. Yêu cầu đặt ra không chỉ là hóa giải nguy cơ, mà còn phải biến thách thức thành những cơ hội phát triển mới cho đất nước. Vì vậy, bên cạnh khẩn trương xây dựng, triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp gắn với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển mạnh thị trường trong nước, kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu; có biện pháp hiệu quả phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ðại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) và nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, giải quyết các bất cập làm cản trở doanh nghiệp, mở thêm không gian, động lực phát triển. Cùng với đó, điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ để cung ứng vốn tín dụng kịp thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, nhiều địa phương trải thảm đỏ đón các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia về đầu tư ở địa phương. Tuy nhiên, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài, các văn bản hướng dẫn thi hành luật có nhiều nội dung chưa thống nhất, gây lúng túng, dè chừng, đùn đẩy giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét, giải quyết. Nếu những nút thắt về thể chế kinh tế, quy định pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh không được tháo gỡ thì rất khó để đất nước nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, trong điều kiện khó khăn, cần quan tâm hơn nữa công tác chăm lo, bảo đảm đời sống cho người dân bằng các biện pháp hỗ trợ thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng, bảo đảm công khai, minh bạch, chống trục lợi chính sách; thực hiện tốt chính sách dân tộc, nhất là các chính sách đặc thù đối với vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số… Tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài chính Ðinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu ý kiến giải trình trước QH. Một trong những nội dung được một số đại biểu QH quan tâm là vụ án Hồ Duy Hải. Phát biểu giải trình ý kiến đại biểu về vụ án này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Vụ án xảy ra năm 2008 tại tỉnh Long An, trải qua quá trình tố tụng, nhiều cấp liên ngành đã thẩm định và năm 2015, Ðoàn giám sát oan sai của QH cũng xem xét vụ án này. Qua các phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước cho ý kiến, câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không? Sau khi nêu tóm tắt vụ án, các chứng cứ khách quan buộc tội đối với Hồ Duy Hải; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội, lời khai nhận tội đầu tiên do Hải tự viết ra khá chi tiết, không phải là bản hỏi cung. Ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội, như: khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra, nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, Hải nhận tội, khẳng định kết luận điều tra, cáo trạng là đúng… Kết thúc các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, khi gửi đơn tới Chủ tịch nước, Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, người kêu oan nhiều nhất lại là mẹ của Hồ Duy Hải. Tham gia tranh luận nội dung này, đại biểu Trương Văn Nọ (Long An) cho biết, đến nay, Ðoàn đại biểu QH tỉnh Long An chưa nhận được ý kiến phản ánh nào về vụ án do nhân dân, cử tri gửi đến. Trước kỳ họp thứ chín, QH khóa XIV, MTTQ Việt Nam tỉnh Long An đã tổ chức tiếp xúc cử tri hơn 15 huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh Long An, tổng hợp các ý kiến đến nay cũng không có phản ánh của cử tri liên quan vụ án. Nhiều doanh nghiệp mất từ ba đến bốn năm cho việc làm các thủ tục đầu tư, kinh doanh và đã cảm thấy hụt hơi, nản chí. Thiết nghĩ, chúng ta đang “dọn tổ đón đại bàng” thì cũng nên “rắc thóc cho chào mào, chim sẻ” để tạo công bằng và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, phát huy nội lực của họ góp phần nhanh chóng khôi phục nền kinh tế. Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) Nguồn tin: nhandan.com.vn