06/05/2020 | lượt xem: 7 Phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 5% trong năm 2020 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, chúng ta không thể chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế ở mức 2,7% như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mà phải tăng trưởng gấp đôi mức này, phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 Ngày 5/5, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 4/2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được đẩy lùi, tuy nhiên, không được chủ quan. Nhân dịp này, Thủ tướng một lần nữa bày tỏ cảm ơn những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của người dân trong công tác phòng, chống dịch. Nhấn mạnh mục tiêu kép, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, đặc biệt cho ý kiến về Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh (19 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) thì nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Bốn tháng qua, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), với kịch bản cơ sở (dịch COVID-19 đạt đỉnh trong quý II/2020 và giảm trong nửa cuối năm 2020), GDP toàn cầu năm 2020 sẽ âm 3%. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần phải sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, đây là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước. Vì vậy, tại phiên họp hôm nay, cần tập trung ưu tiên khởi động lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển, bên cạnh việc chú ý các biện pháp phòng, chống dịch. Một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh phải đạt được mục tiêu kép trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Dẫn lại dự báo của IMF về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay (tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, đạt khoảng 2,7%), Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải đạt cao hơn mức này. Có tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Thủ tướng cũng đề nghị bàn về các vấn đề xã hội, trong đó có việc làm sao tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt nhất, an toàn, chất lượng. Các thành viên Chính phủ cần đánh giá, thảo luận các biện pháp khắc phục các bất cập như công nghiệp giảm mạnh, các dịch vụ như hàng không, lữ hành, khách sạn, ăn uống sụt giảm, hay giải pháp để làm sao doanh nghiệp phát triển khi mà thời gian qua số lượng doanh nghiệp giảm mạnh. Đặc biệt, theo Thủ tướng, làm sao các công trình xây dựng cơ bản, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, phải được khởi động. “Tất cả câu hỏi như vậy, tôi đề nghị các đồng chí cho ý kiến đóng góp để chúng ta có một nghị quyết tốt nhất, đóng góp cho sự phát triển đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh. Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ xem xét việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 nếu thấy cần thiết để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quốc hội trong thời gian tới. Thủ tướng cũng quán triệt tinh thần quyết liệt tháo gỡ, không để tình trạng trì trệ, chậm trễ như thời gian qua ở một số bộ, ngành, địa phương, một số công trình. Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng trong năm nay là vô cùng quan trọng, “các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được”, không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Phát biểu kết luận phiên họp, cơ bản thống nhất những nội dung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, thành viên Chính phủ, ví dụ như Bộ trưởng Bộ GTVT đã nói rõ sẽ cố gắng giải ngân 100% số vốn đầu tư công, trước hết là 37.000 tỷ đồng được giao của Bộ, trong đó có các công trình đường cao tốc… Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đều cho rằng tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 thể hiện rõ nét ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, xây dựng, dịch vụ vận tải, hàng không, du lịch. Nhiều ngành trong khối này đã giảm, như hàng không đã giảm đến 98%, du lịch quốc tế đã giảm tới 94,2%. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn duy trì được nền tảng khá tốt, kinh tế tăng trưởng quý I đạt 3,82%, dù thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều nhưng cũng ở mức cao nhất trong khu vực ASEAN và châu Á. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số nghị định, chỉ thị, nghị quyết đúng đắn, kịp thời và đã đi vào cuộc sống. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, chúng ta không thể chấp nhận mức tăng trưởng kinh tế ở mức 2,7% như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mà phải tăng trưởng gấp đôi mức này, phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Tại phiên họp, Chính phủ thống nhất cao cần ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với các biện pháp hiệu quả trong quản lý, điều hành nền kinh tế vừa qua, Chính phủ thống nhất cần ban hành ngay Nghị quyết chuyên đề tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Đây là một Nghị quyết mang tinh thần tháo gỡ khó khăn, tập trung giải ngân vốn đầu tư công với 700 nghìn tỷ đồng năm nay, một nguồn lực rất lớn để thúc đẩy tăng trưởng. Nghị quyết này đồng thời sẽ có một số nội dung cần điều chỉnh trong Nghị định 68 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó là các biện pháp tháo gỡ khó khăn triển khai thi công các đoạn cao tốc Bắc - Nam để kịp thời trình phương án ra Quốc hội trong tháng 5 này. Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đồng thời thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các đô thị lớn, các khu du lịch… Nhấn mạnh tinh thần "khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba", Thủ tướng yêu cầu chung sức đồng lòng trên mặt trận sản xuất kinh doanh và phòng ngừa dịch bệnh, khơi dậy tinh thần quyết tâm vượt khó khăn trên mặt trận kinh tế xã hội, trọng tâm là phục hồi ngay sản xuất kinh doanh, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch. Theo Thủ tướng, đây là thời điểm “vàng” để chúng ta phát triển các ngành kinh tế dịch vụ của đất nước. Trên tinh thần đó, Thủ tướng lưu ý các Bộ trưởng, trưởng ngành, “tư lệnh” các ngành, lãnh đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ cấp bách hiện nay là tập trung tháo gỡ các vướng mắc, có biện pháp cụ thể hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng, các lãnh đạo địa phương phải “xắn tay áo” vào cuộc tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh dịch vụ phát triển. Người lãnh đạo phải lo trước một bước những trăn trở khó khăn của đất nước. Trong lúc khó khăn này, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức cách mạng của người lãnh đạo, tập trung phối hợp chặt chẽ hiệu lực hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương, không phải “quyền anh, quyền tôi” lúc này mà chính là vì đất nước, vì dân tộc. Nêu thực tế còn sự thiếu thống nhất trong xử lý công việc vì đất nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, gồm cả cấp lãnh đạo, cấp vụ, cấp chuyên viên. Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy thu hút FDI và đầu tư tư nhân, đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa…Trong đó vai trò của người dân và doanh nghiệp làm nền tảng để thúc đẩy sự phát triển. Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo các phương án tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020 và cơ bản thống nhất với báo cáo này. Về thi tốt nghiệp THPT, cơ bản không có nhiều thay đổi so với năm 2019. "Tên gọi thay đổi nhưng nội hàm kỳ thi không thay đổi". Bộ ra đề thi, xây dựng và cung cấp phần mềm chấm thi, thí sinh vẫn dự thi ở địa phương mình, nội dung thi phù hợp, các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả kỳ thi này làm căn cứ tuyển sinh. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành các quy chế, hướng dẫn công tác thi, tuyển sinh; chuẩn bị đề thi bảo đảm chất lượng, phù hợp; phần mềm chấm thi an toàn, bảo mật; tăng cường phương tiện, công nghệ giám sát; đẩy mạnh thanh tra, bảo đảm kỳ thi tổ chức thành công. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các sở, các trường về bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trở lại; đồng thời lưu ý việc giãn cách học sinh phù hợp với điều kiện thực tế, không cứng nhắc, cực đoan. Thủ tướng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn kỳ thi tại địa phương./. Nguồn tin: dangcongsan.vn