Nhật Bản, Ukraine tổ chức hội nghị tái thiết vào năm 2024

Ngày 8/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận hai nước sẽ tổ chức một hội nghị tại Tokyo vào ngày 19/2/2024, nhằm thảo luận về công cuộc tái thiết quốc gia châu Âu này.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận hai nước sẽ tổ chức hội nghị tái thiết tại Tokyo vào ngày 19/2/2024. (Ảnh: JiJi Press)

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm sau khi kết thúc Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Tokyo lần đầu tiên kể từ cuối tháng 8 vừa qua.

Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho biết, phía Nhật Bản tái khẳng định lập trường ủng hộ Ukraine. Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư nhân để chuẩn bị cho hội nghị tái thiết. Dự kiến, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal sẽ tham dự sự kiện này.

Cũng tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Bản cho biết, tại phiên họp đánh dấu ngày cuối cùng của hội nghị Ngoại trưởng G7 kéo dài 2 ngày, các ngoại trưởng đã nhất trí ủng hộ Ukraine, cam kết tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy công tác tái thiết trung và dài hạn ở Ukraine.

Bên cạnh đó, các ngoại trưởng khẳng định lập trường thống nhất trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời cùng với các đối tác quốc tế thúc đẩy các nỗ lực khôi phục hòa bình tại Ukraine.

Trước đó, tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 diễn ra ngày 8/11 ở thủ đô Tokyo, bên cạnh tình hình xung đột Nga - Ukraine, các ngoại trưởng cũng đã thảo luận tình hình căng thẳng tại Trung Đông, cũng như các diễn biến trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thúc đẩy tăng cường hợp tác với Trung Á…

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa trong cuộc họp báo bế mạc hội nghị cho biết, các thành viên G7 khẳng định sự cần thiết phải “hành động khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo” tại vùng đất Palestine do Hamas kiểm soát đang bị Israel bao vây, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông. 

Các ngoại trưởng G7 cũng nhấn mạnh sự ủng hộ không thay đổi dành cho một ASEAN trung tâm và đoàn kết, thúc đẩy hợp tác với phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; sự cần thiết phải hợp tác với Trung Quốc để đối phó với các thách thức toàn cầu cũng như các lĩnh vực có lợi ích chung; khẳng định tính chất phổ quát và thống nhất của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và vai trò quan trọng của UNCLOS năm 1982 trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý chi phối mọi hoạt động ở biển và đại dương…

Vai trò là Chủ tịch của G7 trong năm nay được các nhà quan sát đánh giá là cơ hội cũng là thách thức để Nhật Bản thể hiện vai trò lãnh đạo trong giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu cũng như đóng góp vào duy trì sự hòa bình và phát triển ổn định của thế giới./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
173 người đang online