Nguyễn Thị Nghĩa (1909-1931)

Nguyễn Thị Nghĩa tên thật là Nguyễn Thị Hẹn, sinh năm 1909 tại phố huyện Ân Thi trong một gia đình nông dân nghèo.

Năm 20 tuổi bà được giác ngộ cách mạng và gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Thực hiện chương trình “Vô sản hóa”, bà xin làm công nhân ở nhà máy bát Hải Phòng, rồi nhà máy gạch Năm Giệm - Hà Nội. Những ngày sống và làm việc với công nhân trong các nhà máy bà tích cực tuyên truyền cách mạng, trao đổi với chị em nỗi khổ cực của người phụ nữ sống dưới chế độ thực dân phong kiến và lãnh đạo anh chị em công nhân đấu tranh với bọn chủ đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập cúp phạt, sa thải công nhân, khêu gợi lòng yêu nước và ý thức giải phóng dân tộc. Bọn mật thám theo dõi, biết bà là người hoạt động cách mạng, chúng báo cho bọn chủ đuổi bà ra khỏi nhà máy.

Năm 1930 bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử vào làm trong các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy để tuyên truyền vận động công nhân. Ở đây, bà thường xuyên đi sát anh chị em công nhân, đem chủ trương đường lối, chính sách của Đảng phổ biến kịp thời cho họ, vận động công nhân ủng hộ phong trào đấu tranh của nông dân các huyện Nam Đàn, Đô Lương, và rải truyền đơn ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh trong các nhà máy.

Năm 1931 bà được giao làm giao thông liên lạc đặc biệt giữa Trung ương và Xứ ủy Trung kỳ. Công việc hết sức nguy hiểm đòi hỏi phải mưu trí và dũng cảm. Để che mắt địch, bà đã đóng giả làm vợ lẽ đồng chí Lê Doãn Sửu tỉnh ủy viên Nghệ An, lúc đó đang là công nhân ở Bến Thuỷ.

Trong một chuyến đi công tác, bà bị địch bắt. Chúng đưa bà đi khắp các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy hy vọng khám phá cơ sở cách mạng của ta, song không có kết quả, chúng liền đưa bà về Ty Mật thám Vinh. Tên Bie Chánh mật thám dùng mọi thủ đoạn mánh khóe hòng bắt bà phải cung khai. Bà nói với chúng “Tôi không biết việc gì cả, tại sao các người vô cớ bắt tôi, lại lột hết quần áo của tôi. Phải chăng nước Pháp văn minh cho các người làm những điều dã man như thế”.

Tên Bie lồng lên như thú dữ, xua bọn tay chân vào tra tấn bà, đứa thì đấm đá, đứa thì dùng dùi cui, đứa thì căng bà ra đổ nước xà phòng vào miệng. Dã man hơn chúng còn lấy dây điện, thỏi sắt đánh vào những chỗ hiểm, lấy kìm nung đỏ kẹp dứt ra từng miếng thịt ở tay, ở ngực, làm bà chết đi sống lại nhiều lần.

Những lúc tỉnh, bà tự nhủ, dù có chết nhất định phải bảo vệ Đảng, bảo vệ công tác bí mật và các đồng chí lãnh đạo Đảng. Có lần bà chửi vào mặt Bát Tạo, tên tay sai đắc lực của Pháp khi hắn đến dụ dỗ bà.

- Đồ chó săn cho Tây, chúng bay bắt được tao muốn làm gì tao thì làm, tao không sợ chết đâu.

Lần khác bà lại nhổ vào mặt tên Bie, hắn tức tối cầm kìm nhổ răng bà và cho tiêm thuốc độc vào người bà. Từ đó, bà không nói mà chủ có ú ớ ra hiệu. Địch đưa bà ra Hà Nội khám xem bà câm thật hay giả, chúng còn cài người giả làm tù chính trị đến cùng xà lim theo dõi bà. Mọi thủ đoạn đều vô hiệu, cuối cùng chúng phải trả bà về nhà lao Vinh.

Trong nhà lao của bọn dế quốc, anh em tù chính trị vừa thương xót vừa cảm phục tinh thần dũng cảm kiên cường bất khuất của bà đã vận động binh lính tốt nhờ họ chuyển quà bánh, thuốc men đến và gửi thư động viên, khuyên bà giữ vững tinh thần. Bà trả lời:

Bảo vệ Đảng là lý tưởng của tôi, tôi không bao giờ và nhất định không bao giờ tiết lộ một điều gì bí mật của Đảng ra trước quân thù, các đồng chí cứ tin ở tôi”.

Khi những vết thương trên người giảm bớt đau, bà bắt đầu tìm hiểu tình hình ở trong lao. Ban ngày bà câm, ban đêm bà trao đổi với hai nữ Đảng viên nằm bên cạnh kế hoạch công tác trong nhà tù như tổ chức của chị em học văn hoá, chính trị, lập quỹ cứu tế tạo cho chị em tuyên truyền giác ngộ binh lính, làm cho họ hiểu những người cách mạng không phải là kẻ thù mà chính là bạn thân thiết của công nông binh. Một số anh em binh lính giác ngộ đã trở thành người giúp đỡ tích cực cho chị em. Đặc biệt họ mang những tin tức đấu tranh liên tục vào cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vào cho chị em biết.

Nhưng những đòn tra tấn khốc liệt và thuốc độc đã khiến bà lâm bệnh nguy kịch. Các bạn tù hết lòng chăm sóc, nhưng không thể nào cứu chữa được. Ngày 17/5/1931 bà hy sinh tại nhà lao Vinh. Bà có bài thơ “Hồn ta hãy còn” làm trong những ngày giam cầm để tỏ rõ ý chí cách mạng:

Chúng ta liễu yếu thơ nhi,
Tinh thần cũng chẳng kém gì trượng phu.
Trên đầu đế quốc quân thù,
Còn ta, ta quyết đền bù giang sơn.
… Còn trời còn nước còn non,
Hãy còn quân giặc ta còn hy sinh.

Hiện nay, tại phòng trưng bày cao trào đấu tranh năm 1930 - 1931 và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của Bảo tàng cách mạng Việt Nam, ảnh của bà được treo ở nơi trang trọng nhất.

Dương Thị Cẩm

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
80 người đang online