Nguyễn Công Tiễu (1892-1976)

Nguyễn Công Tiễu quê ở làng Trà Bồ, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ. Thuở nhỏ ông học chữ nho, lớn lên được học chữ quốc ngữ. Cuộc đời làm khoa học của ông ngắn bó với nông dân, với sản xuất nông nghiệp, ông tự đặt tên chữ là Minh Nông, ngụ ý muốn là gà gáy sáng gọi nông dân ra đồng.

Nguyễn Công Tiễu học Cao đẳng Nông lâm, tốt nghiệp năm 1912. Vùng huyện Phù Cừ và các huyện bên kia sông Luộc của tỉnh Thái Bình là quê hương bèo hoa dâu. Với kiến thức khoa học và am hiểu thực tiễn sản xuất của nông dân, ông viết bài về bèo hoa dâu gửi Hội nghị khoa học Thái Bình Dương mở rộng, bài viết được đăng kỷ yếu của hội nghị, gửi các Viện Hàn lâm khoa học.

Nguyễn Công Tiễu là hội viên người Việt duy nhất trong Hội đồng nghiên cứu khoa học ở Đông Dương. Là người sáng lập Tạp chí khoa học (1931). Tạp chí khoa học được 232 số, đến tháng 8 năm 1941 thì đỉnh bản. Ông chuyên tâm nghiên cứu và phổ biến kiến thức khoa học về cây trồng, đặc biệt là bèo hoa dâu, với các công trình: Những điều bí mật về bèo hoa dâu (1934), Khảo cứu về bèo hoa dâu (1934). Ông nghiên cứu về các loài thảo mộc công bố trong cuốn “Những kỳ quan vũ trụ” (1929).

Là nhà khoa học được đi nhiều nơi trên thế giới, đến đâu ông cũng chú ý tìm xem những giống cây có thể đem về trồng ở nước mình. Nghiên cứu cây trồng phát hiện giống mới, đồng thời ông cũng nghiên cứu kỹ thuật phòng chống các côn trùng có hại. Từ những năm ba mươi ông đã thuyết trình ở Hội nghị nông học nhiệt đới và á nhiệt đới về bèo hoa dâu và giống cá “đục đê” (bé bằng ngón tay mà đục thủng đê) và ông đã tìm ra thứ lá để trị nó. Ông còn tìm ra cách thuộc da rắn, nhuộm màu cho thủy tinh và làm nước hoa bằng dược thảo.

Do dồn hết thị lực quan sát, nghiên cứu sinh học trên kính hiển vi nên thị lực yếu dần, đến khoảng năm mươi tuổi thì lòa hẳn. Không còn dùng mắt, ông đọc và viết bằng tay với chữ đục nổi trên bìa cứng dành cho người mù. Nguyễn Công Tiễu là chủ tịch hội người mù, ông sốt sắng tuyên truyền học chữ nổi đối với người mù.

Do dành nhiều công phu khảo sát thực tế và có trí nhớ kỳ diệu, nên mặc dù đã già mắt đã lòa, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. Ông đã đọc cho thư ký viết tập sách “Xem cây mọc dại biết loại đất hoang”, tập sách có tới 171 loại cây cỏ, với đủ tên Việt và tên khoa học…

Ông mất năm 1976, thọ 84 tuổi.

Nguyễn Phúc Lai

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
55 người đang online