07/01/2022 | lượt xem: 9 Nâng mức hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực mũi nhọn Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một số đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm nâng mức hỗ trợ tốt hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực mũi nhọn... Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: QH). Chiều ngày 7/1, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thảo luận về dự thảo Nghị quyết này đa số đại biểu cho rằng, đây là chính sách rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề đối với nền kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhiều đại biểu cho rằng, với gói hỗ trợ này, Chính phủ đã thể hiện rõ sự vào cuộc kịp thời trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát dịch bệnh và an dân. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước là phát triển bền vững, vừa phát triển kinh tế, xã hội và phải bảo vệ môi trường. Về lĩnh vực môi trường, hiện nay theo chỉ tiêu trong chiến lược đề ra thì đến 2030 sẽ phải xử lý được 70% lượng nước thải. Nhưng hiện nay mới xử lý được khoảng 15% theo số liệu của Bộ Xây dựng, nghĩa là còn phải xử lý khoảng 55% trong vòng 9 năm tới. “Nếu dân số đô thị khoảng 50 triệu dân, mỗi người đang thải ra 100 lít/người/ngày, với tỷ lệ 55% thì một ngày phải xử lý khoảng 2.750.000 m3 nước thải, tương đương với việc chúng ta phải xây dựng 55 nhà máy xử lý nước thải với công suất trung bình là 50.000 khối/ngày. Đồng thời hiện nay, có đến 60.000 tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày”, đại biểu phân tích. Trên cơ sở đó, đại biểu cho hay, để được mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta phải bắt tay làm ngay từ bây giờ. Ở khía cạnh khác, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới bởi diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, bởi chi phí đầu vào tăng cao, xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động khiến cho các doanh nghiệp đã gặp khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn và tốc độ phục hồi sản xuất chậm chạp hơn. Do đó, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô đủ lớn, kịp thời, phù hợp, có sức lan tỏa, tạo sự đột phá là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, nhằm khơi thông lại mạch máu của nền kinh tế vốn đang bị tắc nghẽn do COVID-19. Về bố trí vốn, giải ngân nguồn kinh phí lớn trong thời gian rất ngắn, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Cùng với đó, lựa chọn đối tượng hỗ trợ khi áp dụng gói chính sách này, để phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, tránh dàn trải cho các ngành, lĩnh vực không cần thiết ngay tại thời điểm này. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt quan tâm nâng mức hỗ trợ tốt hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực mũi nhọn, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế phát triển, xây dựng các công trình thủy lợi mang tính cấp thiết. Ngoài ra, bổ sung thêm đối tượng là lực lượng cán bộ y tế, những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Nhấn mạnh vai trò của ngành du lịch trong phát triển nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng: Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 và phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Đặc biệt lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động hoặc buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự… Phần lớn doanh nghiệp du lịch nợ ngân hàng, không có doanh thu, dẫn đến mất khả năng trả nợ các khoản vay, thuế, phí; hầu hết lao động mất việc và buộc phải chuyển nghề khác để kiếm sống. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động khi ngành du lịch hoạt động trở lại và một số khó khăn khác. Bởi vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm tới một số chính sách cụ thể như: Tiếp nhận nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các địa phương là trọng điểm của du lịch; có chính sách tái cơ cấu thị trường du lịch, thúc đẩy thị trường nội địa, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn, cho phép các địa phương triển khai đón khách du lịch quốc tế theo mô hình du lịch an toàn; giảm thuế sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng diện tích đất lớn để tạo cảnh quan, thúc đẩy, phát triển du lịch… Cho ý kiến về nội dung các chính sách tiền tệ như giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết và tin rằng tác động của chính sách tiền tệ này sẽ hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh đại dịch. Với độ phủ rộng, đối tượng cho vay lớn bao gồm nhiều lĩnh vực như y tế, du lịch,… các chính sách này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ một cách tương đối toàn diện cho nền kinh tế phục hồi bền vững. Tuy nhiên, đại biểu Tâm đặt vấn đề trong quá trình triển khai cần cân nhắc lựa chọn những lĩnh vực thực sự chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh để có chính sách lọc được những lĩnh vực chưa cần thiết, lĩnh vực cần thiết hỗ trợ cấp bách.../. Nguồn tin: dangcongsan.vn