Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh

Ngày 14/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 3349/UBND-TCD về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Ủy ban nhân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nội dung như sau:

- Về công tác chỉ đạo, thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012), các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bản tỉnh.

 Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của công dân nhanh, đúng quy định; thụ lý, giải quyết vụ việc kịp thời đúng thẩm quyền, đúng loại việc (khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị...), đúng trình tự va thời gian giải quyết; đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan trong giải quyết vụ việc gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hạn chế thấp nhất tình trạng công dân tập trung đông người đi khiếu kiện, khiếu kiện vượt cấp.

Khi có vụ việc khiếu kiện đông người mới phát sinh cần phải tăng cường đối thoại với công dân để lắng nghe và vận động, thuyết phục cho công dân hiểu, chấp hành các quy định của pháp luật; đồng thời phân tích rõ vụ việc, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp kịp thời cụ thể, có hiệu quả, đúng quy định pháp luật, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, để giải quyết tận gốc vấn đề ngay khi phát sinh từ cơ sở.

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đã có tổ chức đối thoại nhiều lần, nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, các địa phương cần chủ động rà soát, phân loại, phân tích từng nội dung vụ việc; nếu nội dung nào đã giải quyết đúng quy định của pháp luật thì ban hành văn bản chấm dứt việc xem xét giải quyết; nếu còn nội dung chưa giải quyết hoặc giải quyết còn chưa phù hợp thì tập trung giải quyết ngay.

 Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: chủ động phối hợp với các cơ quan tiếp công dân Trung ương và các cơ quan liên quan của tỉnh để nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo, kịp thời trao đổi thông tin những trường hợp công dân của địa phương mình khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, vượt cấp lên các cơ quan ở Trung ương, nhất là trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Trường hợp công dân của địa phương mình tập trung đông người lên Hà Nội khiếu kiện, nhất là khi có thông báo của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Chủ tịch UBND cấp huyện (nơi có công dân khiếu kiện) phải chủ động, khẩn trương phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh và các cơ quan tiếp công dân của Trung ương để thuyết phục, vận động công dân trở về địa phương để giải quyết theo quy định;

- Phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo: Thực hiện tốt việc cập nhật, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 của Chính phủ theo hướng dẫn của Thanh tra tỉnh tại Văn bản số 468/TTT-VP ngày 03/10/2023 nhằm hạn chế tình trạng trùng lặp trong việc thống kê, phân loại, số lượt tiếp dân, số đơn thư, số vụ việc và việc gửi đơn thư kéo dài của công dân.

Nội dung chi tiết tại Công văn số 3349/UBND-TCD.

Phương Linh

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
23 người đang online