Mỹ và EU đàm phán về thương mại và công nghệ

Ngày 5/12, các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu các cuộc đàm phán về thương mại và công nghệ trong bối cảnh 2 bên vẫn tiếp tục căng thẳng về Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Mỹ.
 
 Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU hiện tập trung thảo luận nhiều vấn đề, trong đó tâm điểm là Đạo luật Giảm Lạm phát của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
IRA được coi là một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng giữa các nước châu Âu và Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU tại khuôn viên trường đại học Maryland hiện đang tập trung vào các vấn đề như hậu quả của cuộc xung đột ở Ukraine, các vấn đề thương mại, kinh tế, nhưng tâm điểm vẫn là Đạo luật Giảm Lạm phát của Washington.

IRA với tổng ngân sách trị giá 430 tỷ USD, bao gồm các khoản trợ cấp cho năng lượng xanh và giảm thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư trên đất Mỹ, nhất là ngành công nghiệp ô tô và pin điện do Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, EU lo ngại rằng đạo luật này có thể thu hút làn sóng đầu tư và gây bất lợi cho các công ty châu Âu, từ các nhà sản xuất ô tô đến các doanh nghiệp phát triển công nghệ xanh.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tuyên bố các cuộc đàm phán ngày 5/12 là một phần trong nỗ lực "phát triển mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương”, nhấn mạnh Mỹ hiểu những lo ngại của EU về IRA.

Tuy nhiên, quan chức của EU phụ trách Thị trường Nội khối Thierry Breton đã quyết định không tham gia các cuộc đàm phán. Ông Breton cho biết ông nhận thấy Mỹ không dành đủ thời gian để giải quyết các vấn đề mà nhiều bộ trưởng và doanh nghiệp châu Âu quan tâm.

Ngày 7/11 vừa qua, ông Breton nhấn mạnh nếu Washington không không xem xét quan điểm của các đối tác EU, liên minh này có thể đưa vấn đề này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và xem xét “các biện pháp trả đũa”.

Ngày 4/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã kêu gọi EU “hành động” và tăng cường viện trợ nhà nước cho các công ty trong khối để cạnh tranh với ngành công nghiệp xanh của Mỹ được Chính phủ nước này trợ cấp theo IRA. Chủ tịch EC von der Leyen nhấn mạnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và EU “phải tôn trọng sự bình đẳng”. 

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden khẳng định, IRA không nhằm gây bất lợi cho các đồng minh của Mỹ. Thay vào đó, đạo luật hướng đến củng cố các chuỗi cung ứng với các đối tác như châu Âu để phòng vệ trước những lỗ hổng kinh tế xuất hiện trong đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine.

Sáng kiến thành lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ đã được Mỹ và EU nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh song phương hồi tháng 6/2021 với mục đích mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên, cũng như cập nhật các quy tắc hợp tác kinh tế trong thế kỷ 21.

Hội đồng Thương mại và Công nghệ cũng sẽ tập trung vào một số mục tiêu lớn khác bao gồm: Hợp nhất các tiêu chuẩn về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, và công nghệ sinh học; phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt hơn để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc; theo đuổi nỗ lực cải cách WTO...

Thỏa thuận trên cho thấy những bước tiến, song triển vọng cải thiện quan hệ thương mại Mỹ - EU vẫn còn mong manh và hai bên vẫn mâu thuẫn về các chính sách thuế của Washington./.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
23 người đang online