22/04/2020 | lượt xem: 6 Kiến nghị lùi thời gian sửa đổi Luật Đất đai Về điều chỉnh Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo; trong đó đưa ra khỏi Chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Sáng 21/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020. Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Chương trình năm 2021 được Chính phủ đề nghị gồm 8 dự án. Tại Kỳ họp thứ 11, là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án vào Chương trình kỳ họp này. Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Chương trình thông qua gồm 1 dự án được gối từ Chương trình năm 2020 sang là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Chương trình cho ý kiến, gồm 5 dự án: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Để bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa Chương trình năm 2020 với năm 2021, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay: Chính phủ đề nghị điều chỉnh đối với 10 dự án, dự thảo. Cụ thể như sau: Bổ sung vào Chương trình 08 dự án, dự thảo. Điều chỉnh phạm vi sửa đổi, từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đưa ra khỏi Chương trình 01 dự án là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành, định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất đai. Trước mắt, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất xây dựng ngay Nghị quyết của Quốc hội để xử lý, tháo gỡ một số nội dung vướng mắc, nổi cộm gây ách tắc trong thời gian qua. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Ảnh: Quang Khánh. Như vậy, sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án, dự thảo thuộc Chương trình năm 2020 sẽ là 24, tăng 07 dự án so với Nghị quyết số 78/2019/QH14. Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại phiên họp thẩm tra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đồng tình với việc rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2020 như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật này tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội XV (tháng 10/2021) mà không cần ban hành Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai tại kỳ họp thứ 9. Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc Chính phủ đề nghị về Chương trình năm 2021 đã có sự tính toán phù hợp với đặc điểm tình hình của năm 2021 là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, nên số lượng văn bản được đề xuất không nhiều. Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm tốt những dự án Luật đã được đưa vào trong Chương trình, cân nhắc kỹ những luật mới đưa vào, kiểm soát, đảm bảo chất lượng về thời gian, đảm bảo độ chín của các Dự án Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, cân nhắc việc ban hành Nghị quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, vì cho rằng đây là luật nền quan trọng, chờ Đại hội Đảng lần thứ XIII có đánh giá, tổng kết, đưa ra quy hoạch tổng thể để sửa đổi toàn diện. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh: Cần đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh một Luật mới được ban hành lại xung đột với những luật hiện hành và đảm bảo Luật ra đời bám sát thực tiễn đời sống. Đồng thời, đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ càng sớm càng tốt để cùng chung tay giảm thiểu tai nạn an toàn giao thông, đảm bảo trật tự giao thông tốt hơn./. Nguồn tin: dangcongsan.vn