19/11/2024 | lượt xem: 18 Khoái Châu: Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP Hiện nay, huyện Khoái Châu đã chuyển đổi được gần 4 nghìn héc-ta diện tích sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả, tập trung ở các xã: Hàm Tử, Tân Dân, Bình Minh, Tứ Dân... với các giống cây ăn quả chủ yếu là nhãn, cam, bưởi… mỗi năm cho thu hoạch hàng nghìn tấn quả. Trong đó, có khoảng 1,1 nghìn héc-ta diện tích cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, cho hiệu quả cao như: Mô hình trồng nhãn ở xã Hàm Tử cho thu nhập trung bình từ 250 đến 300 triệu đồng/héc-ta/năm; mô hình trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi…) ở xã Tân Dân cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/héc-ta/năm… Nông dân xã Tân Dân (Khoái Châu) trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP Nhằm phát triển, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP, thời gian qua, huyện tích cực tuyên truyền, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, kiểm tra, lựa chọn các vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để tổ chức chứng nhận VietGAP; hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác thành lập mới áp dụng theo hướng VietGAP trong sản xuất; tăng cường phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm giá trị, hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên triển khai tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân về kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP… Qua đó, có nhiều kỹ thuật được nghiên cứu, áp dụng thành công để thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả như: Phương pháp sử dụng nuôi cấy mô trong trồng chuối; sử dụng chế phẩm nano bạc, đồng để phòng trừ sâu bệnh trên cây nhãn, cây có múi nhằm tăng tỉ lệ ra hoa, đậu quả; công nghệ chiết, ghép mắt và ghép đoạn cành nhằm tăng hệ số nhân giống và cải tạo giống trên cây ăn quả các loại; biện pháp khoanh cành, xử lý bằng hóa chất điều khiển ra hoa cho cây nhãn; sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt; quản lý dịch hại theo phương pháp IPM… Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc HTX nhãn Miền Thiết, xã Hàm Tử cho biết: HTX hiện nay đang có gần 10 héc-ta trồng nhãn được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, việc sử dụng phân bón vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cắt tỉa cành, quả theo quy trình… giúp cây ít sâu bệnh hơn, mã quả đẹp, to hơn và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm. Sau nhiều năm áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho thấy, nhãn quả có mã đẹp, quả đều, chi phí sản xuất giảm khoảng 10% so với sản xuất truyền thống, được thương lái tới tận vườn thu mua với giá bán cao hơn khoảng 20% so với giá nhãn trên thị trường. Thời gian tới, HTX tiếp tục áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó, góp phần tăng doanh thu, thu nhập cho các thành viên. Xã Tân Dân hiện nay có trên 50 héc-ta cây ăn quả được chứng nhận VietGAP. Nhiều mô hình trồng các loại cây ăn quả như: Cam, bưởi, quýt… của xã đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực. Anh Nguyễn Quang Thanh, người dân địa phương cho biết: Gia đình tôi có gần 1 héc-ta trồng cam đường canh. Thực hiện mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP từ năm 2019, gia đình tôi đã được tham gia các lớp tập huấn cách thức sản xuất cây ăn quả sạch, đồng thời, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… nên sản phẩm cho năng suất khá và chất lượng nông sản cao. Sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP đã tạo ra nguồn sản phẩm cây ăn quả phong phú, đa dạng, an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân địa phương. Ngoài ra, xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tại địa phương, so với những tiềm năng hiện có, việc phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn gặp một số khó khăn như việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm còn hạn chế... Đồng chí Lưu Quang Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Để mở rộng diện tích trồng cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền người dân tích cực áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP gắn với xây dựng mô hình HTX và chương trình OCOP; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch… Nguồn tin: baohungyen.vn