18/09/2024 | lượt xem: 163 Khoái Châu: Chăm sóc rau màu sau mưa, lũ Do ảnh hưởng của bão số 3 và ngập lụt do nước sông Hồng dâng cao làm hơn 520 héc-ta rau màu tại huyện Khoái Châu bị thiệt hại. Những ngày qua, người dân địa phương tập trung chăm sóc, bảo vệ hơn 1,2 nghìn héc-ta rau màu còn lại. Gió lớn kèm theo mưa kéo dài làm phần lớn diện tích rau màu ở huyện bị ngập úng cục bộ, một số diện tích bị thối rễ, dập nát, hỏng hoàn toàn, ảnh hưởng nhiều nhất là các loại rau: Mùng tơi, cải xanh… Đối với những diện tích rau ít bị thiệt hại hơn, đang được nông dân khắc phục bằng cách rắc tro và phân bón kích rễ, sau khi rễ phục hồi sẽ tiến hành bón phân và chăm sóc. Tại xã Thuần Hưng, nơi có nhiều diện tích chuyên canh các loại cây rau màu, chị Đào Thị Nguyệt, người dân ở thôn 5 cho biết: Ảnh hưởng của mưa, bão làm 5 mẫu rau cải xanh, hành, cà chua... của gia đình tôi đang trong giai đoạn sắp cho thu hoạch bị dập nát. Toàn bộ diện tích rau này nếu không gặp thiên tai sẽ cho thu hoạch vào dịp cuối năm. Ước tính, gia đình tôi thiệt hại trên 20 triệu đồng. Hiện nay, tôi tập trung khơi rãnh, vun luống cao để hạn chế ngập úng. Mưa to và gió to ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng, đặc biệt là sâu bệnh phát sinh mạnh. Do vậy, trong thời gian này, tôi và các hộ trồng rau tập trung tháo gạn nước tại vườn, sau khi hết mưa mới tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Để bảo đảm lượng rau xanh cung cấp ra thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng chuyên canh rau màu tại huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu khuyến cáo người dân, sau khi ngớt mưa, nước rút, cần đào rãnh hạ thấp mực nước nhằm hạn chế rễ cây bị hỏng, vun xới gốc cây; chủ động tiêu thoát nước, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư thực vật, thân lá bị dập, nát do mưa bão; tiến hành trồng dặm bảo đảm mật độ, vun cao luống, xới xáo mặt luống tạo sự thông thoáng cho cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi; tận thu những diện tích rau màu bị ảnh hưởng; theo dõi diễn biến của thời tiết để có phương án sản xuất phù hợp, khi hết mưa tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng loại cây; người dân cần chuẩn bị hạt giống các cây vụ đông ưa lạnh như: Su hào, bắp cải, bí... sẵn sàng gieo trồng lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi; nếu mưa còn kéo dài, nông dân không nên trồng mới nhằm tránh thiệt hại, nhất là trên các thửa ruộng trũng, thấp... Đồng thời, huyện chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn khẩn trương hướng dẫn nông dân thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa, lũ như: Sử dụng các loại máy bơm nước; khơi thông dòng chảy; tiếp tục gia cố bờ bao, cống đập, tích cực bơm chống ngập úng cho các loại cây trồng khác... Cùng với đó, cán bộ chuyên môn tăng cường phối hợp với các địa phương theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến tình hình thời tiết để kịp thời thông tin đến người dân, thực hiện các biện pháp phòng, chống góp phần hạn chế rủi ro trong sản xuất; theo dõi và dự báo tình hình sâu, bệnh để hướng dẫn nông dân cách thức phòng, trừ hiệu quả, an toàn. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Châu Giang đã huy động 100% trạm bơm tiêu úng để kịp thời tiêu thoát nước, chủ động gạn tháo nước đệm trên các sông trục, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống sông, trục dẫn phục vụ tưới tiêu của huyện với tổng chiều dài trên 30km và hơn 122km kênh tưới tiêu đã được xí nghiệp trục vớt rau bèo và vật cản dòng chảy… Ngay từ sáng sớm, nông dân xã An Vĩ đã tranh thủ ra đồng để khắc phục ảnh hưởng của mưa, bão, tập trung khơi rãnh thoát nước bảo vệ rau màu tránh ngập úng. Anh Bùi Thế Thành ở xã An Vĩ cho biết: Nhằm hạn chế ảnh hưởng do mưa úng, tôi đã đầu tư một phần diện tích trồng rau trong nhà lưới, còn lại làm vòm che phủ lưới và nilon. Bên cạnh đó, rau trồng được lên luống cao, đào rãnh sâu, giúp tiêu thoát nước nhanh khi gặp mưa. Bằng cách làm này, qua các đợt mưa lớn kéo dài, rau màu giảm thiểu được ít nhất 80% ảnh hưởng của thiên tai, sâu bệnh gây hại. Đồng chí Lưu Quang Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn nhanh chóng thống kê, phân loại mức độ thiệt hại của từng loại cây trồng để có biện pháp khắc phục, đồng thời cử cán bộ trực tiếp ra đồng hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc rau màu. Thời gian tới, nông dân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ diện tích rau màu theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Nguồn tin: baohungyen.vn