Giám sát trọng tâm, trọng điểm, tạo sức răn đe

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần giám sát các vụ việc lớn, có địa chỉ cụ thể “có diện nhưng phải có điểm”, từ đó tạo tác động cảnh tỉnh, răn đe và hiệu ứng xã hội.
Chiều 24/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Chất lượng báo cáo không bảo đảm yêu cầu

Trình bày Báo cáo kết quả bước đầu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà, Tổ trưởng Tổ giúp việc Đoàn giám sát cho biết: Về tình hình ban hành chương trình, Đoàn giám sát thấy rằng, trong giai đoạn 2016 - 2021 các Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ và các chương trình hàng năm và 5 năm của các bộ, ngành, địa phương cơ bản đều chậm. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và ban hành Chương trình.

Về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), qua báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát thấy rằng, cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN chưa thật sự bền vững; cơ cấu lại chi NSNN chưa đạt yêu cầu đề ra; vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm trong công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN (bao gồm kế hoạch đầu tư công) hằng năm và 5 năm.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển. 

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác, Báo cáo của Chính phủ chưa báo cáo cụ thể việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác theo quy định. Đoàn giám sát thấy rằng, trong giai đoạn vừa qua việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác còn nhiều tồn tại, hạn chế ở tất cả các khâu từ lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đến tổ chức triển khai thực hiện… dẫn đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác chưa hiệu quả, một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước…

Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, mặc dù đã được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực, xử lý nghiêm và kịp thời nhiều vụ việc vi phạm gây thất thoát, lãng phí tài sản, kinh phí nhà nước, song Đoàn giám sát thấy rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn vừa qua cũng còn hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả.

Đáng chú ý, báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định. Chất lượng báo cáo không bảo đảm yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Nội dung báo cáo chủ yếu phản ảnh tình hình, kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế chỉ nêu nhận định chung chung, không cụ thể các nội dung chưa triển khai, triển khai chậm, các hành vi vi phạm gây lãng phí, thất thoát…

Tăng cường giám sát lãng phí trong đất đai, đầu tư công

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng báo cáo giám sát phải chỉ ra những nơi nào làm tốt, nơi nào làm không tốt, đưa ra địa chỉ  điển hình. Một số vấn đề nổi lên cần tập trung khai thác trong quá trình giám sát như: vấn đề lãng phí đất đai, đất để hoang hóa, các dự án dang dở, lãng phí trong mua sắm tài sản công…

“Cứ chung chung “có nơi, có lúc, có đơn vị” mà không nêu cụ thể thì giám sát không có chuyển biến trong thực tiễn” – bà Nga nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng cần tập trung giám sát những vấn đề nóng, dư luận quan tâm, những vấn đề điểm nghẽn, nút thắt, bài toán khó chưa có lời giải về việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước chưa hiệu quả, chậm tiến độ. Đồng thời, đề nghị làm rõ vì sao nhiều bộ ngành, địa phương, đơn vị chưa có báo cáo và phải có cơ chế, chế tài cần thiết để đảm bảo tính nghiêm túc.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần bám sát vào Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các văn bản kèm theo để tiến hành triển khai giám sát; đảm bảo giám sát toàn diện nhưng phải trọng tâm, trọng điểm. Xác định rõ nội hàm hai khái niệm “thực hành tiết kiệm” và “chống lãng phí” để thấy rằng hậu quả của lãng phí rất lớn, do đó cần tập trung vào giám sát các hành vi lãng phí dẫn đến thất thoát trong các vấn đề như đất đai, tài sản công, mua sắm công, đầu tư công...

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với những vụ việc lớn, có địa chỉ, số liệu cụ thể thì Đoàn giám sát cần làm cho rõ để cảnh báo, răn đe; qua giám sát thực tiễn sẽ quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân; tạo hiệu ứng trong xã hội…/.

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
43 người đang online