01/11/2004 | lượt xem: 9 Đền Đậu An và lễ hội Đền Đậu An còn có tên gọi là đền An Xá hay Thụy Ứng quán, thuộc làng An Xá, xã An Viên huyện Tiên Lữ. Đền thờ Ngũ Lão tiên ông và đấng Thiên Tiên, Địa Tiên đã giúp dân khai hoang diệt trừ hổ giữ, bảo vệ mùa màng. Đền Đậu An còn giữ được các di vật bằng đất nung rất độc đáo, đó là nhang án đất nung thời Trần và tháp đất nung có niên đại thế kỷ 17. Nhang án bằng đất nung dài 2,7m, rộng 1,3m, cao 0,8m. Nhang án chia làm ba phần. Phần trên cùng trang trí hình cánh sen gần như vuông. Trong các cánh sen to được lồng các cánh sen nhỏ. Phần thân bệ, chính diện được chia làm ba khuông. Trong mỗi khuông trang trí hình “Lưỡng long chầu lá đề”, chạm nổi. Rồng được mô tả chín khúc mềm mại. Phần đế làm theo kiểu chân quỳ dạ cá, chạm hình sóng nước. Tháp nằm cách cửa đền khoảng 20m, có niên đại Hoàng triều Cảnh Trị ngũ niên (1667). Tháp xây bằng gạch, kích thước mỗi viên 0,3mx0,3m. Tháp cao 4,5m, gồm chín tầng (cửu trùng), bệ vuông 2mx2m. Phần đế tháp làm theo kiểu “chân quì dạ cá”. Trên bốn chân quỳ ở bốn góc là hình vũ nữ đội bệ sen. Các tầng đều có mái hẹp, lợp ngói ống. Trang trí trên tháp có nhiều hoa văn hình cánh sen, chim thần gurada, long mã, voi, sấu, rồng vờn mây… Các hình tượng trang trí được cách điệu cao, xung quanh là các đao lửa, đao lưỡi mác.Lễ hội truyền thống đền An Xá từ ngày mùng 6 đến ngày 12 tháng 4 âm lịch. Dân làng đan biểu tượng Thiên Tiên, Địa Tiên bằng tre, cao gần 5m, rước quanh làng. Buổi chiều ngày mùng 8, diễn lại sự tích mẹ con nhà khó đánh hổ. Trò diễn được sân khấu hóa với hình ảnh Lỗ Quốc đại vương, ba lực sỹ được Ngọc Hoàng cử xuống tiêu diệt hổ dữ bảo vệ dân làng và sức mạnh của người mẹ nghèo khó tham gia diệt hổ. Lễ hội kết thúc vào ngày 12, lúc 23h đêm. Trước giờ kết thúc, tổ chức lại trò đánh hổ ở đền, làm lễ triệt đăng, tắt hết đèn nến trong đền và các vùng xung quanh. Khi tắt đèn đồng thời với việc mô phỏng tiếng ếch, nhái kêu vang rền.