Đậu Trà Bồ và lễ hội

Trà Bồ, một trong bảy di tích có tên gọi là Đậu, một đặc trưng của văn hóa di tích Hưng Yên. Đậu Trà Bồ có tên nôm là Đậu Chè Nhang, tên tự là Sùng Hưng Điện, thuộc tổng Ba Đông, huyện Phù Hoa, phủ Khoái Châu xưa, nay là thôn Trà Bồ, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ.

Theo "Ngọc phả Đậu Trà Bồ" do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), sau đó được Quản giáp Bách thần Tri điện Hưng thiếu khanh Nguyễn Hiền sao lại năm Vĩnh Hựu tam niên (1737) thì Đậu Trà Bồ thờ ba vị thần Quý Minh Hiển Đức Đại Vương, Tĩnh Minh Bảo Hựu Đại vương và Đức Đông Hải Đoàn Thượng Đại vương.

Ngọc phả có thể tóm tắt như sau: Vào thời Hùng Duệ vương, có người họ Cao là Nguyễn Công, quê huyện Thanh Xuân phủ Gia Hưng, đạo Hưng Hóa (tỉnh Hà Tây ngày nay). Ông có tài kiêm văn võ, dũng lược hơn người, được vua Hùng tin dùng và khen là người có tài, đức. Qua hai đời vợ không có con, Huyền Công rất buồn, sau ông chọn được thế đất "phượng hàm thư" trên núi Tựu Lĩnh để đặt mộ phần cha mẹ. Từ đó, vợ ông có mang sinh được ba người con: con cả là Sùng Công, hiệu Cao Sơn; con thứ hai là Hiển Công, hiệu Quý Minh và con thứ ba là Tĩnh, hiệu Minh Công. Khi trưởng thành, các con ông đều thông tuệ, khỏe mạnh, được vua Hùng gia phong làm tướng, cai quản vùng Sơn Nam thượng và Sơn Nam hạ.

Trong một buổi du ngoạn, Quý Minh và Tĩnh Minh đã dừng chân tại địa phận Trà Bồ, huyện Phù Hoa (sau này đôi thành Phù Cừ). Thấy hình thế đất đẹp liền chọn hướng cho làm hành cung và hai ông ở lại để giáo huấn nhân dân, chăm lo việc nông tang cày cấy, khuyến thiện, trừ ác. Trong lúc vua Hùng Duệ Vương muốn nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), nhưng Sơn Thánh từ chối. Quân Thục từ Ai Lao tiến vào xâm lược, Quý Minh và Tĩnh Minh về Trà Bồ và các địa phương xung quanh chiêu mộ quân sĩ, rồi hợp cùng các tướng đánh quân Thục. Trải qua 36 trận giao tranh lớn nhỏ, quân Thục bị thua.

Ba năm sau, quân Thục phục thù và Quý Minh, Tĩnh Minh lại lập được công lớn. Đất nước thanh bình, Hùng Duệ Vương vẫn có nhã ý nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh, ông vẫn từ chối và tâu rằng: "Vua cho hạ thần gọi chúa Thục đến người ngôi để giữ bề yên ổn lâu dài..." Chúa Thục lên ngôi, hiệu là Thục An Dương Vương, chuyển kinh đô từ Phong Châu về Cổ Loa, đổi tên nước là Âu Lạc. Được tin Quý Minh và Tĩnh Minh đã than rằng: "Quốc gia đã thuộc về người khác!" bèn cùng một số cận thần xa giá đi du ngoạn. Một hôm Lưỡng Công đến sách Tự Pháp (miền ngược gọi là sách tương đương ấp, làng ở miền xuôi), huyện Bất Bạt, phủ Gia Lương, đạo Hưng Hóa ngắm cảnh và trèo lên ngọn núi Thu Tinh rồi tự hóa thân. Hôm đó là ngày 12 tháng Ba năm Bính Thân. Nghe tin, dân làng Trà Bồ đã giết tam sinh (trâu, bò, lợn) hành lễ, cúng tế và lập miếu thờ tại Hành cung của Lưỡng Công. Trải qua các triều đại, hai vị đều được phong mỹ tự "Thượng đẳng phúc thần".

Cũng theo ngọc phả thì vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII, có người tên Đoàn Thượng, con của Đoàn Trung và bà Hoàng Thị Mỹ ở chợ Hồng Thị, phủ Thượng Hồng, đạo Hải Dương (thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay) thông minh xuất chúng, yêu thích cung nỏ, ham đọc binh thư... thực là một người tài giỏi. Đời Lý Huệ Tông (1211- 1224) đã phong Đoàn Thượng làm Tổng đốc đạo Sơn Nam kiêm vùng Hưng Tuyên. Khi nhà Trần thay thế nhà Lý đã suy vi, ông rất tức giận, vung kiếm phi ngựa về Hồng Châu chiêu tập binh mã, xây thành luỹ tại xã An Nhân và tự xưng là "Đông Hải Đại Vương". Một hôm, Thượng Công đi qua xã Trà Bồ, nghe tin đồn miếu Lưỡng công nổi tiếng linh ứng nên lập Tả đồn, Hữu đồn ở đây làm căn cứ chống lại nhà Trần và đã thu được nhiều thắng lợi. Do mưu kế "giả cách hoà hoãn", Đoàn Thượng đã bị Nguyễn Nộn (cũng là một công thần nhà Lý chống Trần, song bị nhà Trần mua chuộc) phản bội vào ngày 04 tháng 12 năm ất Mùi (1235). Thượng Công bất lực mà than rằng "Xuất quân chưa thắng mình đã chết, mãi mãi khiến cho nước mắt anh hùng thấm ướt vạt áo". Nói xong, ông vung cao tay kiếm tự hoá.

Ngay hôm đó, dân làng Trà Bồ, Đoàn Đào... làm lễ tế phụng và viết thần hiệu "Đông Hải Đoàn Thượng đại vương" cùng thờ với Lưỡng Công tại miếu Trà Bồ. Vì thế Trà Bồ là một trong 71 nơi thờ đức Đông Hải Đại Vương.

Theo thường lệ, lễ hội Đậu Trà Bồ xưa được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 3 âm lịch. Trong ngày khai hội, ngoài lễ "khai quang tẩy uế" có lễ rước kiệu tam vi đại vương từ miếu Phú (nơi thờ vọng) và rước Mẫu Liễu Hạnh từ chùa về Đậu chính. Từ ngày 13 đến 17 lần lượt bốn giáp (nhất, nhì, tam, hanh) và khách thập phương vào tế lễ làm cỗ chay. Ngày 18 tháng 3 tiến hành rước kiệu thánh từ Đậu chính về miếu Phú an vị.


Tin liên quan

Đánh giá của bạn về chất lượng của dịch vụ công trực tuyến






Gửi đánh giá Xem kết quả
36 người đang online